Tuyên bố Jakarta về Thập kỷ Châu Á - Thái Bình Dương về Người khuyết tật, 2023 - 2032

Tuyên bố Jakarta về Thập kỷ Châu Á - Thái Bình Dương về Người khuyết tật, 2023 - 2032

Tuyên bố Jakarta về Thập kỷ Châu Á - Thái Bình Dương về Người khuyết tật, 2023 - 2032


1.
Chúng tôi,các Bộ trưởng và đại diện của các thành viên và thành viên liên kết của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương,đã tập trung tại Hội nghị liên chính phủ cấp cao về Tổng kết Thập kỷ Người khuyết tật Châu Á - Thái Bình Dương, 2013–2022, được tổ chức trực tiếp tại Jakarta và trực tuyến từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 10 năm 2022, đã thông qua tuyên bố hiện tại.

2. Chúng tôi công nhận Công ước về Quyền của Người khuyết tật (1) vừa là quyền con người vừa là công cụ phát triển.

3. Chúng tôi nhắc lại Nghị quyết 70/1 của Đại hội đồng ngày 25 tháng 9 năm 2015, trong đó Đại hội đồng đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, bao gồm các mục tiêu phát triển bền vững, với sự hoà nhập của người khuyết tật và các quốc gia thành viên cam kết rằng không ai bị bỏ lại phía sau và thừa nhận rằng các quốc gia thành viên, trong khi thực hiện Chương trình nghị sự 2030, ngoài những điều khác, cần tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không có bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào.

4. Chúng tôi ghi nhận Nghị quyết 76/138 ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Đại hội đồng về việc tiếp tục theo sát Đại hội đồng Thế giới lần thứ hai về Người cao tuổi, trong đó Đại hội đồng công nhận rằng tỷ lệ khuyết tật gia tăng theo độ tuổi và nhiều người cao tuổi sống với khuyết tật, và kêu gọi các quốc gia thành viên xây dựng năng lực xóa đói giảm nghèo cho người cao tuổi và cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội trên cơ sở nhu cầu cụ thể của người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi và người cao tuổi khuyết tật, nhằm củng cố và kết hợp quan điểm giới và khuyết tật vào tất cả các hành động chính sách về người cao tuổi, để giải quyết và loại bỏ phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác, giới tính hoặc khuyết tật, cũng như thu thập và sử dụng dữ liệu được phân tách theo độ tuổi, giới tính và khuyết tật để thiết kế và thực hiện chính sách.

5. Để ghi nhận những tác động dị thường của thiên tai đối với người khuyết tật, chúng tôi nhắc lại Khuôn khổ Sendai về Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai 2015–2030 (2), trong đó nhấn mạnh, ngoài những điều khác, về tầm quan trọng của việc tăng cường quyền năng của người khuyết tật, của sự tham gia hòa nhập, tiếp cận được và không phân biệt đối xử trong giảm thiểu rủi ro thiên tai.

6. Chúng tôi nhắc lại Nghị quyết 69/13 ngày 1 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban về việc thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng về Thập kỷ Người khuyết tật Châu Á - Thái Bình Dương, 2013–2022, và Chiến lược Incheon để “Hiện thực hoá quyền” cho Người khuyết tật ở Châu Á - Thái Bình Dương,(3) và Nghị quyết 74/7 ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban về việc thông qua Tuyên bố Bắc Kinh, bao gồm Kế hoạch hành động nhằm đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược Incheon.(4)

7. Chúng tôi tái khẳng định các Nghị quyết 77/1 ngày 29 tháng 4 năm 2021 và 78/1 ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhằm xây dựng tốt hơn và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các chiến lược hoà nhập, bình đẳng và bền vững,  phù hợp với Chương trình nghị sự 2030.

8. Chúng tôi ghi nhận các khuôn khổ tiểu vùng đã được thông qua để tăng cường điều phối và cộng tác giữa các Chính phủ nhằm hỗ trợ các sáng kiến quốc gia và tiểu vùng trong việc thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện các quyền của người khuyết tật, cụ thể là khuôn khổ Thái Bình Dương về Quyền của Người khuyết tật (5) và Kế hoạch tổng thể đến năm 2025 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): Lồng ghép các quyền của người khuyết tật(6), và thừa nhận giá trị của sự hợp tác giữa các cấp trong khu vực, tiểu khu vực và quốc gia.

9. Chúng tôi ghi nhận những tiến bộ mà các thành viên và thành viên liên kết của Ủy ban đã đạt được trong việc thực hiện Chiến lược Incheon và Tuyên bố Bắc Kinh, bao gồm Kế hoạch Hành động nhằm đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược Incheon, và những đóng góp của xã hội dân sự, đặc biệt là các tổ chức của và vì người khuyết tật, bao gồm cả việc ứng phó cũng như phục hồi và xây dựng lại sau đại dịch COVID-19, đồng thời hoan nghênh các cam kết và nỗ lực của các tổ chức thuộc khu vực tư nhân tham gia thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và chuỗi giá trị có hoà nhập khuyết tật.

10. Chúng tôi lưu ý rằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua quá trình già hóa dân số nhanh chóng, với tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng từ 14,3% năm 2022 lên 25,9% vào năm 2050, thể làm tăng số lượng người cao tuổi bị khuyết tật.

11. Chúng tôi lưu ý và quan ngại rằng, trong nhiều trường hợp, mặc dù đã đạt được những tiến bộ, nhưng người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người bản địa, người già, người khuyết tật trí tuệ và tâm lý xã hội và những người trong các tình huống dễ bị tổn thương khác, vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong mọi khía cạnh của cuộc sống, cũng như đối mặt với các rào cản về vật chất, thông tin và thái độ, người khuyết tật còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng do đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng khác gây ra.

12. Chúng tôi cũng lưu ý và quan ngại rằng việc tiếp tục thiếu số liệu thống kê, dữ liệu và thông tin đáng tin cậy về tình hình của người khuyết tật ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu góp phần khiến họ bị loại trừ trong các số liệu thống kê, chính sách và chương trình chính thức, và về vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh lời kêu gọi phân tách dữ liệu theo tình trạng khuyết tật trong Chương trình nghị sự 2030, trong đó ghi nhận nhu cầu tăng đáng kể tính sẵn có của dữ liệu chất lượng cao, có thể truy cập, kịp thời và đáng tin cậy để đo lường tiến triển hướng tới việc đạt được các mục tiêu Phát triển Bền vững.

13. Trong bối cảnh cải thiện khả năng tiếp cận và tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia vào mọi mặt của xã hội, chúng tôi ghi nhận các hành động đã thực hiện và các nguồn lực mà các Chính phủ cam kết hỗ trợ phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19, nhấn mạnh vào việc xây dựng khả năng phục hồi của người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời chúng tôi cũng ghi nhận tiềm năng mạnh mẽ của đổi mới công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số.

14. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của các thành viên và thành viên liên kết của Ủy ban và tất cả các bên liên quan phải hành động khẩn cấp để bảo vệ và củng cố những thành quả và thành tựu đạt được trong phát triển hòa nhập người khuyết tật ở Châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh những thách thức ngày càng gia tăng do đại dịch COVID-19 gây ra, thiên tai, biến đổi khí hậu và các rủi ro khác, vốn đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư, trong và giữa các quốc gia, đồng thời kêu gọi phân bổ ngân sách phù hợp, đổi mới và hợp tác để tăng cường các chính sách và chương trình phát triển hòa nhập cho người khuyết tật.

15. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng và sự phù hợp liên tục của Chiến lược Incheon và Tuyên bố Bắc Kinh, bao gồm Kế hoạch hành động nhằm đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược Incheon, thúc đẩy quyền của người khuyết tật và đẩy nhanh việc thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 và Công ước về Quyền của Người khuyết tật, và chúng tôi cam kết tiếp tục thực hiện tất cả các mục tiêu của Chiến lược Incheon.

16. Chúng tôi tuyên bố Thập kỷ Người khuyết tật Châu Á - Thái Bình Dương,2023– 2032, tiếp tục tập trung vào việc thực hiện hiệu quả Chiến lược Incheon và Tuyên bố Bắc Kinh, bao gồm Kế hoạch hành động nhằm đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược Incheon, nhấn mạnh cần đầu tư chiến lược để thực hiện và cam kết thực hiện các biện pháp hướng tới phát triển hòa nhập người khuyết tật thông qua cách tiếp cận toàn xã hội với sự hợp tác của tất cả các bên liên quan,đặc biệt là các tổ chức của và vì người khuyết tật cũng như các tổ chức khu vực tư nhân, để đẩy nhanh hành động thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật như sau:

a) Hài hòa luật pháp quốc gia với Công ước về Quyền của Người khuyết tật, sau khi Công ước đã được phê chuẩn hoặc tham gia, bằng cách tiến hành đánh giá toàn diện và thường xuyên luật pháp quốc gia và địa phương khi thích hợp, đưa ra hướng dẫn về việc thực hiện Công ước bởi các bộ ngành và chính quyền các cấp, đào tạo tất cả nhân viên tham gia vào việc thực thi pháp luật, lồng ghép khái niệm "điều chỉnh hợp lý" vào các chính sách, chương trình và ngân sách quốc gia, đồng thời phát triển và tăng cường các khuôn khổ hành động, khi thích hợp, để thúc đẩy, bảo vệ và giám sát việc thực hiện Công ước

b) Thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ và nam giới khuyết tật ở mọi lứa tuổi (bao gồm cả tư vấn để thu hút mạnh mẽ sự tham gia của trẻ em và thanh niên khuyết tật thông qua các tổ chức đại diện của họ) trong việc lập kế hoạch, thực hiện và đưa ra quyết định về các chính sách, chương trình và quy trình chính trị thông qua  điều chỉnh hợp lý, nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho chính quyền các cấp, cho người khuyết tật và các tổ chức đại diện của họ, khi thích hợp, cũng như các bên liên quan khác.

c) Trong bối cảnh quan tâm đặc biệt đến các nhu cầu riêng biệt của người khuyết tật đa dạng và của phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật cao tuổi, cải thiện khả năng tiếp cận môi trường vật chất, giao thông công cộng, thông tin và truyền thông, bao gồm cả công nghệ và hệ thống thông tin và truyền thông, thông tin và dịch vụ thiết yếu liên quan đến rủi ro thiên tai và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và các dịch vụ công khác, ở cả thành thị và nông thôn, đồng thời thúc đẩy hàng hóa, dịch vụ, thiết bị và cơ sở vật chất được thiết kế phổ quát (dễ dàng sử dụng cho tất cả mọi người) bằng cách phát triển các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn và hướng dẫn thiết kế tiếp cận quốc tế mới nhất.

d) Tăng cường sức mạnh của khu vực tư nhân, bao gồm các nguồn lực, đổi mới công nghệ và tài năng của họ; Thúc đẩy phát triển hòa nhập khuyết tật bằng cách:

- Áp dụng các chính sách mua sắm công có hòa nhập khuyết tật để thúc đẩy việc áp dụng thiết kế phổ quát và các biện pháp tiếp cận phổ quát đối với cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông,các dịch vụ mua sắm công;

- Triển khai các chính sách khuyến khích các công ty tư nhân hành động theo hướng lồng ghép hòa nhập khuyết tật vào lực lượng lao động, tổ chức, sản phẩm, dịch vụ, hoạt động thị trường và chuỗi cung ứng của;

- Tạo điều kiện biên soạn các hướng dẫn và giao thức của ngành công nghiệp, đặc biệt đối với các phương tiện truyền thông, bao gồm phương tiện truyền thông xã hội và lĩnh vực giải trí để thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập, đồng thời dỡ bỏ nội dung có thể dẫn đến phân biệt đối xử, kỳ thị, định kiến và quan niệm sai lầm về người khuyết tật;

e) Thúc đẩy cách tiếp cận vòng đời có tính đến giới để xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình liên quan đến khuyết tật, đặc biệt chú ý đến: (i) tăng cường cả hai việc lồng ghép và việc lập kế hoạch bảo trợ xã hội dành riêng cho người khuyết tật để đảm bảo cho trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, phụ nữ và người khuyếttật cao tuổi; (ii) cung cấp các dịch vụ phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật như một phần không thể thiếu trong các chiến lược, chính sách, chương trình và đầu tư nhằm xây dựng nguồn nhân lực; (iii) đảm bảo giáo dục liên tục và hòa nhập cho tất cả học viên khuyết tật; và (iv) ứng phó với sự phân biệt đối xử và các rào cản mà phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, kể cả phụ nữ khuyết tật cao tuổi, thường gặp phải khi tham gia và tiếp cận thông tin và dịch vụ, bao gồm các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục.

f) Dựa trên thông tin được cung cấp bởi các cơ quan quốc gia có thẩm quyền và các nguồn được công nhận khác, khi thích hợp, hãy hành động để thu hẹp khoảng cách dữ liệu về khuyết tật và tăng cường năng lực theo dõi tiến độ phát triển hòa nhập khuyết tật ở cấp quốc gia và địa phương bằng cách tạo dữ liệu có chất lượng và có thể so sánh được phân tách theo giới tính, độ tuổi và tình trạng khuyết tật giữa các ngành để cung cấp thông tin cho việc thiết lập chính sách hoà nhập khuyết tật,  lập kế hoạch và các chiến lược thực hiện, và bằng cách kết hợp các báo cáo về tiến bộ phát triển hòa nhập khuyết tật đạt được trong các báo cáo đánh giá quốc gia tự nguyện, nếu thích hợp, được tiến hành trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 và các khuôn khổ phát triển toàn cầu và khu vực khác.

17. Do đó, chúng tôi yêu cầu Thư ký thường trực, hợp tác với tất cả các bên liên quan và tận dụng nền tảng hợp tác khu vực Châu Á và Thái Bình Dương và các nhóm quốc gia của Liên hợp quốc trong khu vực, khi thích hợp, thực hiện các biện pháp sau đây, với sự hợp tác chặt chẽ của các thành viên các quốc gia và người khuyết tật:

a) Dành ưu tiên cho việc tiếp tục thực hiện Chiến lược Incheon và Tuyên bố Bắc Kinh, bao gồm Kế hoạch hành động để đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược Incheon và tăng cường hòa nhập khuyết tật để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 ở Châu Á - Thái Bình Dương trong Thập kỷ Châu Á - Thái Bình Dương về Người khuyết tật, 2023–2032;

b) Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên và thành viên liên kết của Ủy ban, theo yêu cầu của họ, để thực hiện tuyên bố hiện tại ở cấp khu vực và quốc gia

c) Hỗ trợ các thành viên và thành viên liên kết của Ủy ban, theo yêu cầu của họ, trong việc lồng ghép hoà nhập khuyết tật vào các báo cáo đánh giá quốc gia tự nguyện được thực hiện trong khuôn khổ Các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả việc tạo ra một cơ chế để thu hút người khuyết tật và các tổ chức đại diện của họ trong suốt quá trình đánh giá quốc gia

d) Tiếp tục sử dụng hướng dẫn của Nhóm công tác về Thập kỷ Người khuyết tật Châu Á - Thái Bình Dương, khi thích hợp, để hỗ trợ thực hiện hiệu quả tuyên bố hiện tại, để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Incheon và đẩy nhanh tiến độ hướng tới Chương trình nghị sự 2030 ở Châu Á - Thái Bình Dương;

e) Tổ chức xem xét đánh giá giữa kỳ vào năm 2027 và xem xét đánh giá của liên chính phủ cuối cùng vào năm 2032 để đánh giá tiến bộ đạt được của các thành viên và thành viên liên kết của Ủy ban trong việc thực hiện tuyên bố hiện tại trong Thập kỷ Người khuyết tật khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 2023–2032;

Đệ trình tuyên bố hiện tại lên Ủy ban tại phiên họp thứ bảy mươi chín để Ủy ban xem xét và thông qua.


(1) Liên Hợp Quốc, Loạt Hiệp ước, tập 2515, số44910.

(2) Nghị quyết 69/283 của Đại hội đồng, phụ lục II.

(3) Nghị quyết69/13củaỦy ban, phụ lục I và II.

(4) ESCAP/74/22/Add.1.

(5) Được thông qua tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 47, được tổ chức tại Pohnpei, Liên bang Micronesia, từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 9 năm 2016.

(6) Được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33, tổ chức tại Singapore từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 11 năm 2018.

(7) Liên hợp quốc, Triển vọng dân số thế giới 2022: Tổng hợp đặc biệt, ấn bản trực tuyến


Nguồn: https://www.unescap.org