Thể lệ cuộc thi vẽ "Hình ảnh người khuyết tật qua góc nhìn nghệ thuật"
I. Thông tin chung:
1.1. Giới thiệu chung về Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (Quỹ JIFF) và Oxfam:
Quỹ JIFF, do Oxfam tại Việt Nam quản lý, là một trong hai hợp phần của dự án “Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE JIFF) do Liên minh Châu Âu tài trợ và Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản.”
Oxfam là một liên minh quốc tế, một phong trào toàn cầu vì một thế giới bình đẳng, không còn nghèo đói và bất công. Oxfam Quốc tế gồm 21 tổ chức Oxfam thành viên làm việc tại 87 quốc gia. Tầm nhìn của Oxfam hướng tới một thế giới công bằng và bền vững. Một thế giới nơi con người và Trái đất là trung tâm của nền kinh tế. Nơi phụ nữ và trẻ em gái không phải đối mặt với bạo lực và phân biệt đối xử. Nơi khủng hoảng khí hậu được kiểm soát. Và nơi hệ thống quản trị có sự tham gia của người dân và các lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm.
Oxfam tại Việt Nam tin rằng nghèo đói, bất công và bất bình đẳng sẽ giảm khi có sự tương tác giữa công dân tích cực, chính quyền và khu vực tư nhân có trách nhiệm. Đây cũng là nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam. Oxfam tại Việt Nam hướng tới vận động dịch chuyển từ mô hình phát triển dựa vào tăng trưởng sang mô hình phát triển Nền Kinh tế Nhân văn, đặt con người và Trái đất lên trên lợi nhuận.
1.2. Giới thiệu về Hội người khuyết tật Hà Nội (DP Hanoi):
Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội (Hội) là một tổ chức xã hội của và vị người khuyết tật (NKT) nhằm tập hợp, nâng cao năng lực, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên. Hội có sứ mệnh là thúc đẩy thực hiện quyền của người khuyết tật và thúc đẩy hòa nhập khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Đến nay, Hội có 46 tổ chức hội viên và hơn 16.000 hội viên cá nhân. Hội có nhiều kinh nghiệm về phát triển tổ chức theo hướng bền vững, minh bạch và trách nhiệm giải trình, vận động chính sách, trao quyền cho người khuyết tật đặc biệt chú trọng tới phụ nữ khuyết tật.
Hội đã và đang hợp tác với nhiều đối tác khác nhau như các tổ chức của Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và đặc biệt là chính quyền các cấp (Bộ, Ban ngành), các trường đại học, các viện nghiên cứu… để thúc đẩy việc lồng ghép hòa nhập khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau.
1.3. Giới thiệu về Dự án
Dự án “Nâng cao nhận thức và thúc đẩy tuyên truyền về Luật Người khuyết tật cho trẻ em” được tài trợ bởi Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (Quỹ JIFF), do Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội là đơn vị thực hiện.
- Thời gian thực hiện: từ tháng 6/2023 –5/2024
- Địa bàn thực hiện: tại quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh.
Mục tiêu chính của dự án nhằm nâng cao nhận thức và tuyên truyền về Luật Người khuyết tật (NKT) tới trẻ em, đặc biệt trẻ em khuyết tật (TEKT). Thông qua các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng kết hợp sáng tạo nghệ thuật (vẽ tranh), ứng dụng công nghệ, dự án sẽ giúp trang bị, nâng cao kiến thức về Luật, các chính sách hỗ trợ người khuyết tật và giúp trẻ em hiểu về năng lực, khả năng của NKT nói chung và TEKT nói riêng. Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức của trẻ em và cộng đồng về người khuyết tật, qua đó thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc đóng góp ý kiến vào sửa đổi Luật NKT.
II. Mục tiêu hoạt động
- Hoạt động vẽ tranh với chủ đề “Hình ảnh người khuyết tật qua góc nhìn nghệ thuật” do chính các em học sinh tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh thực hiện nhằm vận động toàn xã hội bảo vệ, trợ giúp, chăm sóc trẻ khuyết tật nói riêng và người khuyết tật nói chung; góp phần nâng cao nhận thức để thay đổi thái độ, hành vi trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ/người khuyết tật trong nhà trường và ngoài cộng đồng.
- Thông qua các sản phẩm tranh, học sinh tại các trường sẽ thể hiện được:
- Tình cảm, sự quan tâm và tình yêu thương của trẻ trong việc quan tâm, bảo vệ và giúp đỡ bạn bè khuyết tật trong trường học và người khuyết tật ở cộng đồng;
- Sự hoà nhập, không phân biệt, kỳ thị khi có bạn bè khuyết tật/ người khuyết tật tham gia học tập và vui chơi ở cộng đồng.
- Các tác phẩm tranh của trẻ sẽ gửi gắm tới cộng đồng các thông điệp của chính thế hệ trẻ về một xã hội hoà nhập, không rào cản và không ai bị bỏ lại phía sau thông qua các bức hình, nét vẽ chân thực và đầy yêu thương của chính thế hệ tương lai của đất nước.
- Các tranh xuất sắc sẽ được tham gia triển lãm trưng bày tại trường và được đăng tải trên các kênh truyền thông mạng xã hội của Hội NKT thành phố Hà Nội và của các tổ chức hội viên khác.
- Các tranh dự thi sẽ được chấm và trao giải ở 3 cấp khác nhau: cấp Trường – cấp Quận/huyện và cấp Thành phố. Tác giả có tranh đạt giải cấp Thành phố sẽ được mời tham gia trao giải tại Hội nghị Tổng kết Dự án.
III. Đối tượng tham gia:
- Cuộc thi dành cho tất cả học sinh đang học tập tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở 02 quận/huyện tham gia dự án có đam mê vẽ tranh, gồm:
+ Quận Bắc Từ Liêm: trường Tiểu học Phúc Diễn, Đông Ngạc A, Xuân Đỉnh; các trường Trung học cơ sở: Phúc Diễn, Thượng Cát, Cổ Nhuế 2;
+ Huyện Đông Anh: trường Tiểu học và Trung học cơ sở Dục Tú, Xuân Nộn, Bắc Hồng và trường Chuyên biệt Bình Minh.
Khuyến khích trẻ khuyết tật tại các trường hoà nhập (tham gia trong khuôn khổ dự án) và trường giáo dục chuyên biệt tại địa phương tham gia.
IV. Nội dung, chủ đề:
- Chủ đề: “Người khuyết tật qua góc nhìn nghệ thuật”.
- Các nội dung gợi ý trong chủ đề:
- Tranh thể hiện một trẻ em khuyết tật đang đi học với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, thầy cô ….
- Tranh thể hiện một nhóm trẻ em khuyết tật và trẻ không khuyết tật đang cùng nhau chơi trò chơi.
- Tranh thể hiện cuộc sống hàng ngày của người khuyết tật, ví dụ: người khuyết tật đang đi làm, đi học, tham gia thể thao…
- Tranh thể hiện về sự hòa nhập, bình đẳng của người/trẻ khuyết tật trong tất cả các hoạt động ở xã hội (học tập, làm việc, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí; …) thông qua những cảnh vật thân thiện với trẻ/người khuyết tật như: khu lớp học có đường dẫn cho học sinh sử dụng xe lăn …
- Những hình ảnh, câu chuyện tốt đẹp về gia đình, nhà trường, không phân biệt đối xử.
V. Hình thức thể hiện
- Tác phẩm bao gồm: tranh vẽ tay, tên tranh và thông điệp ngắn gọn về nội dung tranh.
- Tác phẩm được vẽ tay được sử dụng các hình thức tự chọn như: sáp màu, sáp dầu hoặc các chất liệu khác.
- Tranh vẽ tay trên khổ giấy A3 (29,7cm x 42cm), do chính tác giả thực hiện.
- Mặt sau, bên phải, góc dưới tác phẩm ghi rõ: họ và tên tác giả; ngày tháng năm sinh tác giả; lớp; trường; tên tác phẩm, lời bình nội dung cho tác phẩm;
- Không giới hạn số lượng tác phẩm tham gia của một học sinh. Khi chấm thi, Ban Giám khảo sẽ lựa chọn tác phẩm đạt giải cao nhất (đối với nhiều tác phẩm của cùng 1 học sinh tham gia).
VI. Thời gian dự kiến triển khai cuộc thi:
- Thời gian phát động: Tuần 3-4, tháng 12/2023.
- Hạn nộp bài dự thi: Tuần 4 tháng 12/2023 đến tuần 4 tháng 01/2024 (Tuỳ vào thực tế trên địa bàn thực hiện).
- Triển lãm tranh và trao giải cấp Trường: Tháng 12/2023 hoặc tháng 01/2024 (Tuỳ vào thực tế trên địa bàn thực hiện).
- Triển lãm tranh và trao giải cấp Quận/huyện: tháng 01-02/2024.
- Trao giải cấp Thành phố: tháng 4/2024.
VII. Quy định về tác phẩm dự thi:
- Tác phẩm dự thi thuộc quyền sở hữu của tác giả, không sao chép, chỉnh sửa một phần hay toàn bộ từ thiết kế khác. Tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm bản quyền cho tác phẩm dự thi của mình.
- Ban tổ chức cam kết không sử dụng các tác phẩm dự thi cho những mục đích trái pháp luật. Ban tổ chức có toàn quyền sử dụng tất cả các tác phẩm (có trích dẫn một số thông tin của tác giả) vào mục đích truyền thông, phi lợi nhuận, không giới hạn thời gian sử dụng và không cần phải có sự đồng ý của tác giả với từng trường hợp.
VIII. Tiêu chí chung chấm điểm và cơ cấu giải thưởng:
- Các bức tranh tham dự được tuyển chọn và trao giải dựa trên các tiêu chí dưới đây, không giới hạn các loại hình vẽ tranh: bút sáp, sơn màu…
- Đúng chủ đề, thể hiện được tình cảm trong tranh, phù hợp lứa tuổi, môi trường;
- Bố cục tranh: cân đối, hài hoà…
- Màu sắc: đậm - nhạt, sáng - tối, tô màu gọn gàng, hài hoà…
2. Cơ cấu giải thưởng (theo đề xuất được duyệt):
Giải cấp Trường: 18 giải/ trường
- Giải Nhất: 02 giải
- Giải Nhì: 02 giải
- Giải Ba: 06 giải
- Giải Khuyến khích: 08 giải
- Giải cấp Quận/Huyện: 45 giải/ quận, huyện
- Giải Nhất: 06 giải
- Giải Nhì: 03 giải
- Giải Ba: 33 giải
- Giải cấp Thành phố: 10 tranh
- Giải Nhất: 02 giải
- Giải Nhì: 04 giải
- Giải Ba: 04 giải
* Ghi chú:
Cơ cấu giải thưởng có thể thay đổi tuỳ thuộc vào chất lượng thực tế của các tác phẩm dự thi.
IX. Thông tin về cuộc thi:
- Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội
Tầng 5 Cung Trí thức thành phố, số 1 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Người liên lạc: Chị Nguyễn Hồng Giang - Cán bộ dự án
- Email: giangnh@dphanoi.vn/ admin@dphanoi.vn
- Điện thoại Văn phòng Hội: 024 3537.9257 (trong giờ hành chính)
Tải file đính kèm - .
- Thể lệ cuộc thi vẽ "Hình ảnh người khuyết tật qua góc nhìn nghệ thuật" .docx
- Thể lệ cuộc thi vẽ "Hình ảnh người khuyết tật qua góc nhìn nghệ thuật" .pdf
BTC