Tết của một gia đình Người khiếm thị mùa Covid
Dăm cái bánh chưng mua về, một nồi thịt kho được chuẩn bị, chị Lang Thị Vân (SN 1991, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cố gom chút hương vị Tết quê nhà cho vơi nỗi nhớ xa quê.
Tết xa
Chị gọi điện báo mẹ Tết này không về. Nhỡ không may đi cùng xe với F1 thì đi cách ly cũng khổ hoặc về quê lại dễ lây cho người già trẻ nhỏ, ở lại để bố mẹ, con cái bình yên thì ăn Tết tại Hà Nội cũng đâu có sao. Nói thì nói thế nhưng ẩn trong đôi mắt chị vẫn đau đáu nỗi niềm khắc khoải của đứa con xa quê. Đã là người Việt ai không bồi hồi khi trời lất phất mưa phùn, mai đào chúm chím nở, tất cả thúc giục những bước chân lữ khách trở về cố hương cho kịp đón Tết, kịp đón lễ đoàn viên. Với riêng anh chị nỗi lòng ấy còn nặng trĩu hơn... “Năm nay là cái Tết đầu tiên Kevin chào đời, ông bà nội ngoại mong lắm. Hứa bảo cả gia đình nhỏ sẽ về đón Tết cho nựng cái thằng cháu đích tôn”, anh Hoàng Văn Sinh (SN1990, xã Lục Hồn, Bình Liêu, Quảng Ninh), chồng chị Vân chia sẻ.
Biến cố cuộc đời
Gượng dậy sau một lần bị sởi, di chứng để lại, hai mắt hoàn toàn mất đi ánh sáng. Năm ấy, anh Sinh mới ba tuổi. Ba tuổi, anh đâu thể hiểu hết những mất mát khi không thể nhìn thấy ánh sáng.
“Mãi đến năm 10 tuổi, tôi mới được mẹ xin nhà trường cho tôi đi học dự thính. Lần đầu, tôi được đến trường, tôi thích thú với những chữ cái, con số. Cũng lần đầu tiên tôi nghe được tiếng “mù” đầy miệt thị, lúc đó tôi mới hiểu rằng tôi khác với mọi người”, anh Sinh nhớ lại.
Hết cấp I, anh đành phải nghỉ học do nhà trường địa phương từ chối nhận anh vì lý do không đủ điều kiện để dạy học sinh khiếm thị. Việc học phải đứt đoạn, không đầu hàng với số phận, anh tìm cách liên hệ và đến học nghề xoa bóp cổ truyền ở một cơ sở tại Ba Vì, Hà Nội. Cùng lúc đó, anh được nghe thông tin về ngôi trường đào tạo văn hóa cho người khiếm thị - Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, quận Hoàn Kiếm. Anh hào hứng chia sẻ: “Lúc tôi biết đến trường Nguyễn Văn Tố, tôi mừng lắm. Tôi đến trường đăng kí học cấp II luôn mặc dù khi đó tôi đã gần 20 tuổi. Mong ước đi học ngày bé, mong ước tương lai cuộc sống thoát khỏi tối tăm, đó là động lực, là mục tiêu để tôi bước tiếp trên hành trình tìm kiếm tri thức”.
Hạnh phúc nhỏ nhoi
Ở bên cạnh, tay thoăn thoắt rửa mớ dưa hành, nhìn chị Vân không ai nghĩ chị chỉ còn thị lực 1/10. Những mùa Tết trước, cũng mình chị vun vén cho gia đình nhỏ. Mắt kém, đi lại khó khăn, ngay đến việc vào bếp để có mâm cơm ngày Tết trọn vẹn cũng thật không dễ dàng.
“Mình khiếm thị nên nhiều hoạt động gặp khó khăn, như lúc hầm măng nấu xương, đôi khi mình không trông rõ lượng gia vị lấy đã ổn chưa hay màu sắc thực phẩm đó đã chín chưa”. Giảm khả năng thị giác, chị vận dụng tinh tế các giác quan khác. Chị dùng tai để nghe tiếng nước sôi, tiếng dầu sôi, dùng xúc giác hơ hơ tay trên nồi để cảm nhận độ nóng của thực phẩm, chị đánh giá độ chín của thực phẩm bằng khứu giác thông qua mùi hương. “Tất nhiên là nấu ăn được thôi chứ không thể nào đẹp mắt được. Với lại người ta mất một tiếng để nấu một món có khi mình phải mất hai, ba tiếng”, chị cười. Anh bên cạnh đính chính rằng với bố con anh, chị nấu ăn ngon nhất. Nét ửng hồng hiện phớt qua đôi má, thấy long lanh trong mắt chị là một niềm hạnh phúc, hạnh phúc giản đơn đến từ gia đình nhỏ của chị. Năm chị 15 tuổi, sau một vụ tai nạn trên đường đến trường, đầu chị bị chấn động ảnh hưởng đến một số giây thần kinh thị giác. Bố lặn lội đưa chị từ Nghệ An, vượt hàng trăm cây số lên thủ đô chạy chữa nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu đầy ái ngại của bác sĩ. Kể từ đó, chị sinh ra chán nản. Trước đây chị luôn là học sinh giỏi toàn diện, giờ chị chẳng thiết học hành. Tương lai với một người khiếm thị như chị thật mịt mờ. Chị không dám ước mơ đến sự nghiệp, công việc tương lai, thậm chí chị không dám yêu ai. Chị sợ người ta chỉ trêu đùa tình cảm của chị.
Định mệnh đời mình
Hoàn thành xong chương trình cấp III ở quê, chị lên Hà Nội tìm kiếm việc làm, tại đây chị gặp được định mệnh của đời mình. Chị bẽn lẽn chia sẻ: “Sau khi mình xin vào một Spa để làm, mình vẫn có niềm yêu thích với tiếng Anh. Mình tìm kiếm và xin học ở lớp học tiếng Anh của Hội Người mù quận Ba Đình. Lúc đó, mình gặp được anh”. Ban đầu từ những câu chuyện chung sở thích, dần dần chị Vân cảm mến người con trai Quảng Ninh này. Khác với chị có nền tảng tiếng Anh từ các bậc học, anh đến với tiếng Anh chỉ là con số không tròn chĩnh.
Bằng chiếc máy tính cài chương trình đọc màn hình, anh mày mò lên các web dạy tiếng Anh tự học, kết nối và giao tiếp với người bản ngữ để rèn kỹ năng nghe, nói. “Ngày đầu tiên mình tới lớp, mình thật sự bất ngờ khi nghe anh có thể giao tiếp với trợ giảng là tình nguyện viên người nước ngoài”, chị nói.
Khi có tình yêu chắp cánh anh chị như có thêm động lực để vươn lên. Anh Hoàng Văn Sinh nhớ lại: “Hồi đó, tôi có tìm phòng trọ để ở. Nhờ Vân, cô bé rất nhiệt tình hỗ trợ tìm giúp. Không những vậy, Vân còn giúp tôi soạn giáo án, làm bài giảng cho một lớp tiếng Anh online mà tôi dạy”. Có khả năng nhìn được chút ít, chị giúp đỡ anh từ việc nấu nướng, chợ búa rồi nảy sinh tình cảm từ lúc nào không hay. Hai người tìm được nhau giữa cuộc đời, chị là ánh mắt của anh, anh là bờ vai của chị. “Chúng tôi hay đùa người kia là định mệnh đời mình”, anh cười, chị cũng rạng rỡ.
Từ đó, hai anh chị cùng nhau nắm tay qua mấy mùa xuân, cùng động viên nhau cố gắng. Năm 2017, chị được tuyển thẳng vào khoa Công tác Xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam. Một năm sau anh cũng trở thành sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Đại học Hà Nội. Anh chị thành lập một cơ sở tẩm quất vừa là nơi sinh hoạt vừa tạo công ăn việc làm và nơi ở cho các bạn sinh viên khiếm thị giống mình. Cơ sở nhỏ nằm trong con ngõ 52A Hàng Bún (Quán Thánh, Ba Đình, Tp. Hà Nội), lúc nào cũng ngập tiếng cười. Không chỉ là một cơ sở nơi mọi người làm việc, ở đây giống như một gia đình, mọi người cùng hỗ trợ nhau học tập, động viên nhau lúc vui buồn.
Lựa chọn khó khăn
Tháng 8/2020, đứa con đầu lòng của anh chị ra đời. Vừa mừng vừa lo, mừng là trở thành ông bố bà mẹ cũng đồng nghĩa với đó là nỗi lo cơm áo lại oằn nặng hơn trên đôi vai anh chị, nhất là trong thời điểm Covid-19. Anh Sinh nói: “Có dịch, lượng khách giảm hẳn. Hồi đấy, kinh tế khó khăn thì Vân có mang. Mừng cũng mừng mà lo thì nhiều hơn, cả hai vợ chồng giờ đều đi học mà cơ sở cũng không nhiều khách bởi dịch bệnh rồi nuôi con làm sao, chăm sóc con thế nào”. Áp lực từ mọi phía đè nặng đẩy anh chị lựa chọn giữa quyết định đầy khó khăn: Bỏ hay giữ con? “Lúc đó, cũng suy nghĩ nhiều lắm thậm chí Vân còn rơi vào trầm cảm. Là người đàn ông trong gia đình, tôi biết lúc này mình cần đưa ra quyết định”, anh Sinh chia sẻ. Anh Sinh quyết định đón bé chào đời, anh tạm bảo lưu kết quả học để tập trung chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất đón đứa con đầu lòng. “Trời sinh voi sinh cỏ, cứ nghĩ thế mà động viên nhau, giờ thằng cu cũng lớn biết bi bô rồi”, anh cười rạng rỡ. Nét hạnh phúc của ông bố trẻ thắp sáng bừng căn nhà nhỏ.
Mùa Tết không thể quên
Nắm tay nhau được 5 năm, có một đứa con, hai anh chị trải qua cũng vài mùa Tết không thể nào quên. “Tết năm 2019, vì phải lo số tiền học hơn chục triệu của anh Sinh hai vợ chồng đành cắn răng ở lại Hà Nội làm Tết mong sao kiếm đủ số tiền học phí.
Chị Vân nhớ lại: “Đó là năm đầu tiên mình ở lại Hà Nội. Lúc đó, làm cho khách đến gần mười hai giờ. Nhìn người ta tung tăng đi chơi mà tủi lắm. Lại nhớ bố mẹ và các em ở quê chắc giờ này đang quây quần, nhớ mùi hương trầm nghi ngút, nhớ giọng mẹ, giọng bố. Mình định làm xong phải gọi điện về chúc Tết bố mẹ vậy mà lúc đó có khách khác vào đành phải làm đến hơn 1 giờ sáng mới xong. Lúc xong thì muộn quá rồi, chẳng gọi được cho bố mẹ, mình chỉ biết ôm anh ấy khóc thôi”.
Với một năm 2020 đầy biến động vì dịch bệnh thì hành trình về nhà lại khó khăn hơn với những đứa con xa quê bởi nỗi lo cơm áo, dịch bệnh. Anh chị cũng vậy, Tết này cả nhà đành ăn Tết ở Hà Nội lần thứ hai.
Tết là sẻ chia
Có tiếng gõ cửa, chị ngơi tay ra tiếp khách. Hóa ra là bác hàng xóm sang gửi mấy gói kẹo cho thằng cu. Nhiều khách quen biết chúng tôi ở lại cũng thương, bảo gắng giữ sức khỏe. Quan trọng là an toàn của gia đình, bố mẹ ở quê thấy con cháu khỏe là mừng rồi. Các bác bảo mấy nữa sẽ mang đồ cùng ăn liên hoan. Nhiều bác hàng xóm thi thoảng lại sang lúc cho ít hành, khi cho mấy gói kẹo gọi là cùng chúc một năm mới”, anh Sinh cười bảo.
Tiếng nói, tiếng cười, cùng những câu chúc bình an, sức khỏe như xua đi sự trống vắng của những đứa con tha phương mang nỗi lòng đón Tết xa quê. Tết về khi yêu thương trao nhau, Tết đến là khi nhân ái được lan tỏa giữa người với người mặc ngoài kia Covid-19 còn xáo động, họ vẫn bên nhau cùng nguyện cầu một năm mới bình an.
Đức Nghị
CLB Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân