Suy nghĩ trước khi bình luận chia sẻ trên mạng xã hội và đằng sau câu chuyện về những người phụ nữ vầng trăng khuyết

Suy nghĩ trước khi bình luận chia sẻ trên mạng xã hội và đằng sau câu chuyện về những người phụ nữ vầng trăng khuyết

Suy nghĩ trước khi bình luận chia sẻ trên mạng xã hội và đằng sau câu chuyện về những người phụ nữ vầng trăng khuyết


MÃ SỐ: BV 10

"Think before you comment, share on social media and behind the story of crescent moon women"

 

Tạo hóa ban cho mỗi con người những vẻ đẹp riêng biệt thuần túy khác nhau. Dù biết thời đại ngày này quyền lực của thị giác lên ngôi, chúng ta có thể chọn xem, mến hoặc hâm mộ những thứ hợp nhãn, những người xinh đẹp xung quanh mình. Ấy thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta tự ban cho mình cái quyền được bỉ bai, mạt sát với những ai có vẻ bề ngoài không được lung linh. Một người ác miệng quanh mình đã đành, nhưng bị rất nhiều người không quen biết miệt thị vì vẻ bề ngoài thì quả thật đây là những điều chua xót vô cùng.

Khi thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, người dùng được hưởng lợi từ thời đại kỹ thuật số rất nhiều. Công nghệ thông tin giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi với  miền ngược, đồng bằng và miền núi, giữa người giàu và người nghèo, người khuyết tật và người không khuyết tật...Mạng xã hội thu hút người xem và người dùng đông đảo. Theo số liệu thống kê tính tới tháng 6-2021 của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số Mạng mạng xã hội), tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019 và vẫn dẫn đầu danh sách các Mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam. Chính vì là mạng xã hội nên người dùng thể hiện những quan điểm cá nhân của mình rất rõ, yêu ai ghét ai bình luận chia sẻ theo ý thích và "Quyền" của mình. Người dùng Facebook có thể vô tư thả những biểu hiện cảm  xúc của mình về bài đăng trên mạng như vui buồn hay ngạc nhiên hoặc tức giận. Vì mọi người cho rằng đó là "Quyền" của mình.

Câu chuyện về người phụ nữ chưa đẹp thua thiệt về nhan sắc:

Chúng ta vẫn còn nhớ, mạng xã hội Facebook Việt Nam năm 2019 dậy sóng khi hình ảnh một bà mẹ đơn thân tên Duyên Phạm có ngoại hình không được xinh đẹp livestream bán hàng. Thật  buồn cô đã phải  nhận được vô vàn những bình luận khiếm nhã không thiện chí. Ở phần bình luận, nhóm người vẫn cứ thản nhiên mạt sát cô ấy bằng những lời lẽ không thể nào nặng nề hơn: "Thôi em, xấu thế phải che mặt đi cho thiên hạ nhờ", "xấu ma chê quỷ hờn mà vẫn livestream bán hàng online được, bó tay", "mặt mũi thế mà dám vác ra bán hàng online, lạy", "lần đầu tiên thấy người bán hàng online xấu như thế", "nhà thiếu gương soi nên mới live ra đây cho người ta chửi"... Quả thật, cảnh tượng chỉ được diễn đạt bằng hình ảnh và câu chữ này thôi cũng đủ thấy sự khốn khổ của người phụ nữ ấy đang phải chịu đựng gạch đá ném vào mình chỉ vì mình không đẹp, trong đoạn cuối của clip livestream gây phẫn nộ dư luận đó, người mẹ này có chia sẻ một chút về hoàn cảnh đáng thương của mình khi vừa khóc vừa kể: "Từ bé đến lớn tôi đã bị mọi người hắt hủi, đi học cũng bị bạn bè xa lánh ra ngoài cũng bị coi khinh, lấy chồng cũng bị nhà chồng hắt hủi, xin việc không ai nhận, tại sao mọi người cứ phải ác với tôi như vậy???. "Mấy người không thể biết tôi khổ sở thế nào đâu. Tôi còn phải kiếm tiền nuôi con tôi mà, con tôi mới có 2, 3 tuổi nó còn phải ăn, còn phải đi học cơ mà. Tôi lên đây bán hàng có ảnh hưởng gì đến mấy người đâu, các người không mua có thể đi ra, tại sao cứ phải chửi tôi thế. Các người định triệt hết đường sống của tôi hay sao mà cứ lên đây chửi tôi. Các người đâu biết mẹ con tôi phải khổ thế nào. Các người chưa bao giờ trải qua cảm giác phải chạy ăn từng bữa, chỉ biết đày đọa người khác thôi". Bên cạnh đó, mẹ trẻ đơn thân này còn chia sẻ thêm về việc từ lúc con mới 3 tháng đã phải một mình ôm con ra khỏi nhà chồng. Chưa kể sau đó cũng không ít lần có ý định tự tử vì cuộc đời quá bất công, nhưng rồi nghĩ lại phải vì con mà sống, phải báo đáp bố mẹ gì, nên cứ thế cố gắng. Đến giờ, đăng đàn livestream bán hàng kiếm tiền chân chính mà cũng bị chửi mỗi ngày. Chả lẽ xấu không được livestream và bán hàng trên mạng.


(Hình ảnh bạn Duyên Phạm livestream bán hàng - Nguồn ảnh  Internet)

Ngạn ngữ Ả rập đã viết: "Bốn điều không quay lại: lời đã nói, mũi tên đã lao đi, cuộc đời đã sống, cơ hội đã bỏ qua". Đúng như vậy có những lời nói có thể kéo một người từ  hố sâu có thể lên đỉnh  vinh quang nhưng có những lời nói như những mũi tên xuyên vào trái tim gây lên những vết thương không bao giờ liền miệng. Tổn thương gây ra bằng những lời nói luôn là những tổn thương sâu sắc nhất. Và khi cái xấu, cái khiếm khuyết của hình thể lại bị coi như một trọng tội trong xã hội hiện nay, thì lối thoát cho những người kém may mắn như vậy vẫn gần như là quá khó.

Cô gái khuyết tật với ước mơ về Du lịch tiếp cận cho Người khuyết tật:

Là một cô gái khuyết tật bẩm sinh, Nguyễn Phương Linh đã vượt qua nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống, để từ đó sau mỗi thử thách em thấy mình cần kiên cường bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Tuy bị khuyết tật nhưng em lại có sở thích đi du lịch, bởi em nghĩ khi mình còn trẻ thì mình cần phải đi nhiều nơi chỉ có đi ra ngoài cuộc sống thì mỗi người mới học được những kinh nghiệm thực tiễn mà trên Internet và mạng xã hội không có được. Em cũng đến được nhiều nơi danh lam thắng cảnh của Việt Nam, nhưng đâu đó tại các khu du lịch vẫn còn đó những bậc thang lối lên xuống cản trở thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ du lịch với người khuyết tật. Em ước mơ có những đường ram lối lên xuống dành cho người khuyết tật đi xe lăn. Là một người trẻ tín đồ của mạng xã hội Facebook và chiếc điện thoại luôn bên cạnh, em đi tới đâu em sẽ chụp một tấm hình để ghi dấu bước chân tuổi trẻ mình đâu đi qua. Một tấm ảnh ở Chùa Hương bên dòng suối Yến thơ mộng, tấm hình selfie trên những khoang cáp treo ngang trời giúp tâm hồn bạn được bình yên và hạnh phúc. Hay như chiếc cầu tình yêu ở Đà Nẵng điểm check in lý tưởng cho mọi người và các bạn trẻ.

Có một lần được đi tắm biển cùng những anh chị em hội viên Hội Người khuyết tật mà lòng em hạnh phúc vô cùng. Ban đầu là những ánh mắt tò mò nhìn về những người khuyết tật đi tắm biển của mọi người trên bãi biển, nhưng nhìn mãi thì cũng thôi họ mải miết với những con sóng biển. Những bánh xe lăn của các anh chị khuyết tật in hằn trên bãi biển như hai đường thẳng song song. Phương Linh nghĩ về ngành du lịch tiếp cận để những người khuyết tật có thể được tiếp cận với du lịch ở cả Việt Nam và cả nước ngoài chứ không phải như hai đường thẳng song song chẳng có thể bao giờ gặp nhau. Vừa hay lúc đó có một con sóng biển lại ào ạt xóa đi những gì trên bãi biển. Các bạn đã hòa mình vào làn nước trong xanh biển cả. Thế rồi Phương Linh bắt đầu livestream khoe cảnh mọi người tắm biển. Có rất nhiều bạn bè người thân vào xem buổi livestream rồi mọi người bình luận: "chúc mừng các bạn", "hạnh phúc quá", " đi mà không rủ em lần sau nhớ rủ nhé...". Bỗng Phương Linh giật mình khi đọc được bình luận: "què còn bày đặt tắm biển chân tay khòng khèo còn áo tắm", "về nhà mà ngủ đi bãi biển đẹp như vậy có các ông bà cho xấu bãi tắm", "chân còng rồi em", "em ơi vòng eo và ngực đẹp thế những chân bị còng kìa"... Đọc những bình luận như vậy làm cho Phương Linh bật khóc. Buồn về những ngôn từ như vậy nó làm cho những vết thương hở miệng với thời gian và người khuyết tật hòa nhập cộng đồng khó khăn hơn. Tâm trạng của Phương Linh đang buồn em định kết thúc buổi livestream vì những bình luận khiếm nhã trên thì có thêm nhiều những lời khen: "khuyết tật thì sao mà các bạn chê người ta", "mình chưa đẹp đừng vội chê người khuyết tật", "các bạn là những người đẹp nhất", "vẻ đẹp ở chính mình và tâm hồn bạn ơi "....Đúng! Phương Linh nghĩ như  mọi người khuyết tật không có gì khác biệt, em vẫn vui vẻ livestream cho mọi người biết đến những khả năng và mong muốn của cộng đồng người khuyết tật của mình. Những con sóng biển cứ ào ạt vỗ về miên man cho tâm hồn cô bé và những người bạn khuyết tật của mình thêm sảng khoái giữa mênh mông biển khơi.

Những giải pháp bảo vệ cho trẻ em gái phụ nữ khuyết tật trên không gian mạng xã hội:

Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng chính vì vậy sự bình đẳng trong cuộc sống cho mỗi người được ưu tiên hàng đầu. Bạo lực giới và bắt nạt trên mạng đang diễn ra vậy làm như thế nào để tình trạng bắt nạt và bạo lực giới được kiểm soát đó là mỗi việc chúng ta cần làm:

  1. Ngày từ nhỏ, trẻ em cần được giáo dục để lắng nghe ý kiến của người khác, tôn trọng sự khác biệt và luôn tâm niệm mình không độc quyền sự thật.
  2. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và sử dụng Internet.
  3. Suy nghĩ lắng nghe trước khi bình luận và chia sẻ những thông tin được kiểm chứng.
  4. Có các chế tài Pháp luật để ngăn chặn những nguyên nhân và nguy cơ cũng như bắt nạt bạo lực giới trên mạng.
  5. Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cần được tham gia những khóa tập huấn phòng chống bạo lực giới trên mạng xã hội. Những kỹ năng và biện Pháp phòng tránh bạo lực bắt nạt trên Internet.

Khi những dạng bạo lực giới trên mạng Internet ngày càng nhiều, nó gây tổn thương rất nhiều cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thì có lẽ mỗi chúng ta mỗi người hãy luôn luôn đặt địa vị của mình vào chính người trong cuộc, tỉnh táo suy nghĩ: đừng cổ súy cho cái ác đang hiện hình, đừng comment cổ vũ cho những điều làm người khác tổn thương; và cũng thật tỉnh táo khi chia sẻ những thông tin vì bây giờ có rất nhiều những face new, những trang fanpage và Web câu like và comment bởi những tin giật gân.

"Suy nghĩ trước khi bình luận, chia sẻ cho một thế giới tốt đẹp hơn" - "Think before commenting, sharing for a better world."

------------------

Hội người khuyết tật Tp.Hà Nội - DP HaNoi mời các bạn hãy COMMENT bình chọn các tác phẩm CUỘC THI VIẾT "KHÔNG GIAN ẢO - BẠO LỰC THẬT" cùng lựa chọn những tác phẩm yêu thích nhất và chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa.

https://www.facebook.com/DpHanoi.org.vn/posts/5659955600686980

BTC.