Phụ nữ khuyết tật trong đại dịch: gia tăng tình trạng bạo lực và bất bình đẳng
Theo điều tra về người khuyết tật năm 2016, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật chiếm gần 3,5 triệu (khoảng 56% người khuyết tật) tại Việt Nam. Phụ nữ khuyết tật thường gặp phải nhiều bất lợi, thách thức do bản thân vừa là phụ nữ, vừa là người khuyết tật. Phụ nữ khuyết tật được coi là một nhóm dân số dễ bị gạt ra ngoài lề xã hội nhiều hơn, họ thường có trình độ học vấn thấp hơn, tỷ lệ việc làm thấp hơn, ít được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, v.v.
Khi đại dịch covid 19 xảy ra, người khuyết tật nói chung gặp rất nhiều khó khăn, rào cản trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản hoặc tiếp cận các dịch vụ, hoà nhập xã hội do sự phân biệt đối xử với người khuyết tật vẫn còn. Tuy nhiên, tình trạng của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong cuộc khủng hoảng này tồi tệ hơn nhiều so với những người khác. Trước đại dịch, họ ít có khả năng, cơ hội hơn cả nam giới và trẻ em trai bị khuyết tật, và trong đại dịch, họ còn phải đối mặt với nguy cơ sống trong cảnh nghèo đói, đối mặt với tỷ lệ bạo lực cao hơn và bị đối xử bất bình đẳng nhiều hơn.
Trong thời gian giãn cách xã hội, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật phải đối mặt với các yếu tố nguy cơ gia tăng của bạo lực trên cơ sở giới (BLG) và các rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ BLG. Khi phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật ở nhà với gia đình và mất hoặc giảm đi các mối quan hệ xã hội, sự hỗ trợ thông thường, căng thẳng gia tăng, dẫn đến bạo lực về thể chất, tình dục, tình cảm và tâm lý. Cũng giống như những phụ nữ khác phải đối mặt như căng thẳng trong gia đình khi mọi người sống chung với nhau trong thời gian dài, nhưng, đối với phụ nữ khuyết tật, nhiều gia đình và bạn bè, người thân còn phải đảm nhận trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ. Và đôi khi xảy ra sự từ chối trợ giúp cần thiết hoặc bỏ mặc, thậm chí hạ thấp phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Một bạn nữ là người điếc chia sẻ: ở nhà với gia đình- những người nghe - và không thể giao tiếp luôn tạo ra một loại cảm giác khó chịu và căng thẳng, và đã có những cuộc tranh cãi, bởi vì họ không thể hiểu những gì tôi muốn và tôi cũng không thể hiểu mọi người. Bạo lực nổi lên, đặc biệt là bạo lực tâm lý do không được tiếp cận thông tin ... [không thể hiểu nhau] và bất lực do không biết những gì đang xảy ra xung quanh mình tạo ra loại bạo lực này từ cả hai phía. Khả năng tiếp cận thông tin liên lạc đã trở thành một vấn đề lớn đối với cộng đồng người điếc.
Nhiều chị em phụ nữ khuyết tật biết mình đang bị bạo lực nhưng trong thời điểm này các dịch vụ hỗ trợ BLG trở nên rất khó tiếp cận hơn do các biện pháp giãn cách xã hội. Một số chị em chia sẻ rằng các dịch vụ hỗ trợ BLG như nơi tạm trú, tư vấn tâm lý xã hội, trợ giúp pháp lý và những dịch vụ khác… không thể tiếp cận được trong thời gian đại dịch, khiến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật khó khai báo hoặc thoát khỏi các tình huống bạo lực. Đối với cộng đồng người Điếc, những rào cản tồn tại từ trước đối với việc tiếp cận đường dây trợ giúp và các dịch vụ khác vẫn tiếp diễn trong thời kỳ đại dịch, khiến phụ nữ và trẻ em gái khiếm thính đặc biệt dễ bị bạo lực. Đối với chị em khiếm thị/mù, nguy cơ bị bạo lực cũng vô cùng cao vì họ có tâm lý sợ bị bỏ mặc. Một phụ nữ khiếm thị chia sẻ, “... bạo lực gia đình là một vấn đề rất lớn, và ... kết quả là phụ nữ khuyết tật phải chịu đựng vì nếu họ phản kháng, họ có thể bị bỏ mặc và sự hỗ trợ từ bên ngoài bị cắt đứt, họ thậm chí không thể thông báo về bạo lực mà họ đang phải đối mặt từ nhà. ”
Hơn nữa, BLG tác động đến sức khoẻ sinh sản/sức khoẻ tình dục (SKSS/SKTD) do làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn đối với cả phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Trong thời gian dịch xảy ra, khó có thể tiếp cận được với các biện pháp tránh thai khẩn cấp hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do đây không phải là vấn đề đáng quan tâm của đại đa số các gia đình, đặc biệt là đối với các thành viên là người khuyết tật. Về phía bản thân phụ nữ khuyết tật cũng e ngại đề cập đến vấn đề này trong gia đình và không chủ động tìm kiếm sự trợ giúp.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tạo ra sự bất ổn về việc làm, thu nhập cho nhiều người, và điều này có tác động sâu sắc đến phụ nữ khuyết tật. Thực tế là phụ nữ khuyết tật có ít cơ hội hơn so với nam giới khuyết tật và phụ nữ không khuyết tật khi tham gia vào thị trường việc làm chính thức. Họ thường làm các công việc trong lĩnh vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội. Đa số chị em phụ nữ khuyết tật làm cho các cơ sở nhỏ, tự kinh doanh, bán hàng vì vậy vấn đề sinh kế rất bấp bênh. Khi thực hiện giãn cách xã hội, các dịch vụ không thiết yếu không được mở cửa thì rất nhiều chị em không có việc làm, không có nguồn thu nhập để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu. Một chị phụ nữ khuyết tật ở Hà Nội chia sẻ: có chiếc xe đẩy bán hàng nhưng từ khi covid thì không được bán hàng rong nữa, chả biết làm gì để kiếm sống cả hơn năm nay. Bản thân chị là mẹ đơn thân, làm sao để nuôi con ăn học trong thời dịch này? Đến cái điện thoại duy nhất là phương tiện liên lạc thì phải để cho con sử dụng để học online.
Bên cạnh đó, phụ nữ khuyết tật phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận thông tin, nguồn cung cấp, thực phẩm, vận chuyển và các dịch vụ thiết yếu trong thời gian đại dịch. Do tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhiều chị em phụ nữ khuyết tật sống một mình hoặc mẹ đơn thân rơi vào tình thế khó khăn khi mua nhu yếu phẩm vì các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt: người gác cổng của các khu chung cư và khu vực lân cận cấm bất kỳ sự xâm nhập nào của khách bên ngoài kể cả nhân viên giao hàng.
Trước vấn đề này, Hội Người khuyết tật TP Hà Nội đã có một số hoạt động nhằm góp phần xoá bỏ khoảng cách bất bình đẳng, giảm nguy cơ bạo lực đối với hội viên nữ và trẻ em gái. Hội đã kiến nghị lên Đài truyền hình Việt Nam để Đài truyền hình có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu vào cho Bản tin thời sự lúc 17:30 hàng ngày nhằm giúp người điếc tiếp cận thông tin kịp thời. Hội đã phối hợp với chính quyền và một số cơ quan, tổ chức như UBMTTQ, Hội Sinh viên… để trao tặng các phần quà gồm những nhu yếu phẩm cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, điểm siêu thị 0 đồng và có ưu tiên hội viên nữ. Đặc biệt, Hội đã thí điểm tổ chức tập huấn về an toàn trên môi trường mạng và bạo lực giới cho gần 100 chị em phụ nữ khuyết tật nhằm giảm nguy cơ chị em bị bạo lực. Hội cũng tổ chức các cuộc thi về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình để nâng cao nhận thức của hội viên và cộng đồng về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông của Hội như website, fanpage…
Tác động của đại dịch là rất lâu dài và hệ quả là sự bất bình đẳng, nguy cơ bạo lực cao hơn đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Để ứng phó với vấn đề này, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề sau:
1. Cung cấp thông tin dưới dạng tiếp cận được cho tất cả mọi người
Các đơn vị liên quan như Bộ TTTT, Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH, Đài truyền hình, các cơ quan Chính phủ…cần phổ biến thông tin ở các dạng dễ tiếp cận được. Điều này bao gồm việc có ngôn ngữ ký hiệu và chú thích thời gian tại các cuộc họp báo và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; các tài liệu truyền thông công cộng ở dạng âm thanh, chữ nổi, và các định dạng dễ hiểu; việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số có thể truy cập; và việc tuân thủ các tiêu chuẩn tiếp cận đối với thông tin dựa trên các trang điện tử.
2. Đảm bảo việc tiếp cận
Đối với tất cả các hàng hóa và dịch vụ, bao gồm các dịch vụ hỗ trợ dành riêng cho người khuyết tật, cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người khuyết tật, chú ý đến vấn đề giới như nhu cầu của chị em phụ nữ khuyết tật (chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục).
3. Hỗ trợ sinh kế, việc làm cho phụ nữ khuyết tật
-Tạo điều kiện để chị em phụ nữ khuyết tật vay vốn từ NHCS qua các kênh khác nhau, đặc biệt là Hội LHPN các cấp.
-Tạo điều kiện để phụ nữ khuyết tật tham gia vào các chương trình khởi nghiệp, tiếp cận việc làm
4. Lồng ghép vấn đề giới trong hoạt động của tổ chức Hội Người khuyết tật các cấp
Trong hoạt động của Hội Người khuyết tật các cấp, cần chú ý đến vấn đề giới và lồng ghép giới vào trong mọi chương trình, hoạt động. Nên có những hoạt động chia sẻ, hỗ trợ, tư vấn, tham vấn về sức khỏe, phòng chống bạo lực …cho chị em phụ nữ khuyết tật. Có các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho chị em PNKT …
5. Hợp tác với người khuyết tật thông qua các tổ chức của người khuyết tật
Tất cả các chính sách ứng phó và phục hồi với dịch Covid-19 phải bao gồm khuyết tật, từ các biện pháp ngăn chặn và y tế công cộng đến các gói kích thích kinh tế và đánh giá tác động kinh tế xã hội. Do khuyết tật đa dạng và đặc thù, các chính sách đưa ra cần có sự tham gia tư vấn của các tổ chức người khuyết tật trong suốt quá trình thiết kế và thực thi để đảm bảo nhu cầu của người khuyết tật được đáp ứng đầy đủ. Đặc biệt, đây cũng là một sự hợp tác giữa chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác liên quan với các tổ chức người khuyết tật vì các tổ chức của người khuyết tật hiểu rõ nhất nhu cầu của người khuyết tật và có thể làm đối tác cung cấp dịch vụ để giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực khi hỗ trợ người khuyết tật trong đại dịch này.
Đỗ Thị Huyền
Phó Chủ tịch, Hội Người khuyết tật TP Hà Nội