Đường nào cho xe lăn?
TP. Hà Nội đang đẩy mạnh việc lát lại đá vỉa hè, nhưng, không ít tuyến phố cả đoạn dài mới có lối lên cho người khuyết tật sử dụng xe lăn. Còn trên vỉa hè, không ít trường hợp người đi bộ còn khó, chưa nói đến việc sử dụng xe lăn. Do vậy, dù có lối đi riêng, nhưng hầu như người khuyết tật không thể sử dụng.
Khó đủ đường
Chị Bùi Thị Hương, chuyên viên tư vấn giáo dục – một thành viên Câu lạc bộ chấn thương cột sống Hà Nội cho biết, đặc thù công việc thường xuyên phải gặp khách hàng, nhưng chị luôn gặp phải vướng mắc trong việc đi lại. Bởi thực tế đường sát vỉa hè rất gồ ghề, rất khó khi lên xuống:
"Giao thông bên trong vỉa hè để cho người khuyết tật tiếp cận vỉa hè để lên đường dành riêng thì rất là xấu. Chính vì xấu lên bọn em cứ phải tránh, đi ra tận bên ngoài. Ngoài ra thì lên trên vỉa hè lại bị lấn chiếm, để xe máy hoặc bán hàng, hội em không có đường để có thể đi được trên đấy", chị Hương cho biết.
Khảo sát của phóng viên VOVGT dọc tuyến đường Trích Sài cho thấy, cả một đoạn đường dài phía giáp hồ Tây, việc bố trí điểm lên xuống cho xe lăn rất “tùy hứng”, thi thoảng có lối lên xuống thì lại có gờ quá cao, khoảng 5-7cm, trơn trượt, xe lăn không thể lên xuống. Tình trạng này cũng diễn ra trên nhiều tuyến phố như Trần Bình Trọng, Phan Bội Châu, Thái Thịnh…
Tại hầu hết các tuyến phố đã hoàn thành việc lát đá vỉa hè, lối đi lại dành cho người đi bộ, xe lăn lại bị chiếm dụng để xe máy, bán nước, bán cà phê… Điều này khiến một số người khuyết tật rất bất bình khi có công trình dành riêng nhưng không thể sử dụng:
Các vỉa hè cũng có khoảng dốc lên, nhưng khoảng dốc đó lại có những gờ 5-7 phân, để mà tự tay tôi có thể lăn xe được dốc đó thì tôi không thể lăn lên được.
Vìa hè dành cho người đi bộ và xe lăn có thể sử dụng được, nhưng chúng tôi lên được nhưng đi qua 1 đoạn nữa lại hoàn toàn không có điểm xuống. Chẳng hạn trên vỉa hè anh đi khoảng 500m hoặc 300m gì đó anh có thể rẽ xuống, nhưng tại điểm đó lại không có một đường cho xe lăn xuống, anh chỉ có lên đấy ngồi chơi rồi phải quay lại, đi trên lòng đường chứ không có đường để đi.
Từ câu chuyện của bản thân, anh Phạm Tuấn Kiệt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chấn thương cột sống Hà Nội cho biết, vì lối lên vỉa hè và đường dành riêng không thể sử dụng được, nên ngay cả việc bán hàng qua mạng để mưu sinh với anh cũng không dễ. Bạn bè cũng ngại mua hàng của anh bởi phải ra ngoài đường giao dịch, vừa vất vả, vừa nguy hiểm cho chính anh Kiệt:
Việc đi giao dịch và đi làm việc với tôi gần như là rất khó khăn trong việc tiếp cận với khách hàng. Đa số là tôi đến chỗ đó là tôi phải gọi người ta ra ngoài đường hoặc làm việc luôn ngoài đường.
Thực tế này cũng xảy ra tương tự với người khuyết tật tại TP.HCM. Anh Vương Lai Thuận, Hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM cho biết, với bề mặt vỉa hè hẹp, người đi bộ còn khó, đối với người khuyết tật còn khó hơn do vỉa hè không bằng phẳng và thường xuyên bị chiếm dụng. Theo anh Vương Lai Thuận:
Người bình thường hôm nào không để ý còn bị vấp, huống chi những đối tượng khuyết tật như tôi, chúng tôi chân cẳng đã không được bình thường, thì chuyện vấp té như cơm bữa là bình thường thôi.
Nhiều bất cập
Ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, thời gian qua, quận Hoàn Kiếm có 18 dự án trên 26 tuyến phố được lát lại đá vỉa hè. Đến thời điểm này, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành một số tuyến phố. Theo ông Tùng, các dự án này đều tuân thủ Quy chuẩn số 10:2014 của Bộ Xây dựng về xây dựng công trình cho người khuyết tật:
Tất cả các ngã tư và có vạch sang đường thì đều có phần hạ hè để người khuyết tật có thể tiếp cận vì theo tiêu chuẩn, phần hạ hè chỉ có ở các ngã tư cho người khuyết tật này. Thứ 2 chỉ hạ hè tại lối ra vào các cơ quan thì mới có chứ không hạ hè một cách tùy tiện được.
Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có trên 105 nghìn người khuyết tật, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Từ năm 2011 đến nay, Thành phố đã cấp hơn 14.500 xe lăn cho người khuyết tật vận động. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó phòng Bản trợ Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, việc thiết kế, thi công các công trình phục vụ người khuyết tật, mà bản thân họ không thể sử dụng sẽ gây cản trở đáng kể cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng:
Trong vấn đề thiết kế, thi công thì việc tham gia vào việc trao đổi ý kiến hoặc giám sát lối đi cho người xe lăn thì cũng chưa có một quy chế nào phối hợp hoặc có văn bản quy định về vấn đề đó.
Bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng cho rằng, nhiều tuyến phố tại các đô thị gần như chưa chú trọng đến công năng sử dụng cho người khuyết tật. Nguyên nhân là do thiếu sự giám sát của cơ quan quản lý cũng như chưa có tiếng nói của chính người khuyết tật đối với công trình:
Tôi nghĩ rằng việc đóng góp của những tổ chức, của người khuyết tật đóng góp trong bản thiết kế quy hoạch thì nó sẽ tốt hơn, hoặc bên thi công có những người khuyết tật giám sát lại việc họ làm như thế đã đảm bảo cho người khuyết tật đi chưa?
Tuy vậy, do chưa có văn bản quy định quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư với người khuyết tật nên đến nay tiếng nói của người khuyết tật đối với các công trình này còn mờ nhạt.
Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội – đơn vị được Thành phố giao kiểm tra, giám sát việc thực hiện – sau gần 2 tuần chúng tôi gửi công văn, nhiều lần liên lạc cũng không nhận được câu trả lời.
Do vậy, việc tồn tại những công trình xây dựng cho người khuyết tật, nhưng bản thân người khuyết tật không sử dụng được cũng là điều dễ hiểu.
Việc xây dựng hạ tầng giao thông cho người khuyết tật đã được Bộ Xây dựng đưa ra từ năm 2002, nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật có thể đi lại thuận tiện. Tuy vậy, việc thiếu các quy định chi tiết khiến các công trình hạ tầng giao thông phục vụ người khuyết tật được xây dựng, nhưng người khuyết tật không thể sử dụng. Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: Đừng làm cho có
Sau Quy chuẩn số 01:2002 về về quy chuẩn xây dựng công trình cho người khuyết tật, năm 2014, quy chuẩn này tiếp tục được sửa đổi thành Quy chuẩn 10:2014 với mong muốn tạo sự bình đẳng cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng.
Những nỗ lực của cơ quan quản lý đã phần nào đạt được khi nhiều công trình xây dựng, công trình giao thông đã thiết kế, thi công các hạng mục dành cho người khuyết tật. Đó là những lối lên xuống tại các chung cư, tòa nhà văn phòng, khách sạn, vệt dốc tại các lối lên xuống vỉa hè…
Nhưng đi vào chi tiết, đến thời điểm này, QCVN 10:2014 mới chỉ quy định: “tại các nơi giao cắt khác cao độ như các lối sang đường, lối lên xuống hè phố phải làm đường dốc, vệt dốc”.
Như vậy, với những tuyến phố dài, không có điểm giao cắt, không có quy định cụ thể mật độ các đường dốc, vệt dốc dành cho phương tiện xe lăn có thể lên xuống. Điều này khiến cho việc làm lối đi riếng cho người sử dụng xe lăn lên, xuống phụ thuộc hoàn toàn vào phút “cao hứng” của đơn vị thiết kế, thi công.
Thêm nữa, QCVN số 10: 2014 cũng chỉ quy định làm đường dốc, vệt dốc cho người khuyết tật, nhưng không quy định cụ thể độ chênh của đường dốc, vệt đốc so với mặt đường.
Thực tế triển khai công tác chỉnh trang đô thị, lát đá vỉa hè tại Hà Nội thời gian qua cho thấy, tại hầu hết các tuyến đường đã hoàn thành việc lát đá, những lối đi riêng cho người khuyết tật từ lòng đường lên vỉa hè, thì bản thân người khuyết tật cũng không thể sử dụng.
Nguyên do bởi đơn vị thiết kế, thi công không có căn cứ nào để đặt độ chênh giữa vìa hè với lòng đường. Điều đó khiến các điểm lên xuống dành cho xe lăn luôn tồn tại những điểm gờ, cao từ 5-7cm.
Với độ chênh này, gần như không người khuyết tật sử dụng xe lăn nào có thể tự mình điều khiển xe lăn lên dốc, nếu cố gắng thì dễ “sứt đầu, mẻ trán” do xe bị đổ vì mất thăng bằng.
Trong quá trình trao đổi bên lề của bài viết này, anh Phạm Tuấn Kiệt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chấn thương cột số Hà Nội chia sẻ một câu chuyện bi hài: những cuộc họp của Hội người khuyết tật cấp phường luôn được tổ chức trên tầng 3.
Lần đầu tiên tham dự, anh Kiệt phải nhờ 4 vị thương binh ở phường khiêng cả người và xe lăn lên tầng 3. Lên đến nơi, cả người khiêng và được khiêng đều thở không ra hơi.
Vậy nhưng, dù được góp ý, những cuộc họp lần sau vẫn diễn ra trên tầng 3 của trụ sở phường nên anh Kiệt không tham dự.
Nhắc đến câu chuyện để thấy rằng, không chỉ đơn vị soạn thảo quy định, mà ngay cả những người thực thi cũng hiếm khi đặt mình vào hoàn cảnh người khuyết tật để thiết kế, thi công những công trình cho người khuyết tật.
Do vậy, dù nhu cầu sử dụng công trình hạ tầng xây dựng, hạ tầng giao thông của người khuyết tật là chính đáng, số lượng người khuyết tật sử dụng xe lăn cũng không ít, song tiếng nói của người khuyết tật đối với những công trình này gần như bằng không.
Bởi thế, những bất cập này vẫn tồn tại dai dẳng, dù quy chuẩn đã nhiều lần được sửa đổi. Và những công trình phục vụ người khuyết tật sử dụng xe lăn cũng chỉ làm ra cho có, chứ hầu như không người khuyết tật nào có thể tiếp cận và sử dụng.
Nguồn: vovgiaothong.vn