Hình nóng - quà lạnh
MÃ SỐ: BV 07
Với chính sách mở cửa hiện nay của mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể mở cho mình một tài khoản xã hội, nhưng để là người sử dụng thông minh thì cần rất nhiều kỹ năng.
Dịch Covid buộc ai ở đâu hãy ở yên đó, lại thêm cái lạnh của thời tiết cuối đông, nên thú vui của tôi là cứ cơm tối xong là trùm chăn. Ôm chiếc Ipad làm bầu bạn, nào lướt facebook (FB), xem tiktok tha hồ cười, tha hồ trò chuyện cùng bạn bè khắp nơi.
Một lần lướt facebook tôi bắt gặp dòng thông tin “Ai có nhu cầu làm nẹp chân, làm chân giả xin inbox để được hướng dẫn kỹ hơn”, tôi sướng như bắt được vàng. Chiếc nẹp chân tôi dùng đã hơn 10 năm cũng không còn phù hợp, nó đã ngắn và lung lay vẹo vọ, khiến bước đi của tôi không còn vững nữa. Tôi lập tức nhắn tin (inbox) xin một chiếc nẹp mới.
Chị Thảo Mai, người đăng tin tặng nẹp và chân giả tận tình hướng dẫn tôi điền tên, tuổi, địa chỉ vào form, và không quên nhắc tôi chụp bên chân khuyết tật đó để làm nẹp cho phù hợp. Ngoài hướng dẫn tôi các thủ tục, chị còn trò chuyện hỏi han tôi làm gì, anh chị em ra sao rất là thân mật và tình cảm, ảnh chị trên avatar cũng rất xinh. Nghe lời chị, tôi làm theo đầy đủ và gửi đi. Sáng hôm sau, tôi nhận được tin nhắn của chị Mai thông báo “Hồ sơ xin nẹp của em đã được chấp nhận, chiếc nẹp sẽ được chuyển đến nhà em sau 1 tuần nữa”. Chị lại yêu cầu thêm “Do ảnh em chụp bên chân yếu đó không rõ nên em chụp lại cho chị đầy đủ cả 2 chân từ phần hông trở xuống xem chân yếu ngắn và nhỏ hơn chân khỏe bao nhiêu cm mới làm chính xác cho em, và để tránh nhầm lẫn chân của em với chân của người khác, em viết tên em bằng bút dạ, nét to lên đùi nhé”. Quá háo hức nên tôi không ngần ngại chụp đủ các kiểu chân, hông, đùi mình và gửi đi ngay.
Chỉ sau khi gửi ảnh đi vài giờ, tôi nhận được tin nhắn (messenger) của chị Thảo Mai: “Giờ tao có đầy đủ ảnh chụp chân cẳng mày, bộ phận nhạy cảm hơi rõ và lại còn cả tên tuổi mày viết lên đùi nữa. Nếu mày không chuyển cho tao 20 triệu, tao sẽ tung toàn bộ những bức ảnh nóng đó lên facebook, zalo…cho cả thiên hạ, gia đình, bạn bè mày biết! Mày nhanh nhanh chuẩn bị thu xếp và chuyển tiền đến tài khoản XXX…”. Sau đó những tin nhắn và những cuộc điện thoại liên tiếp đến đe dọa và thúc giục tôi chuyển tiền. Đất trời như sụp đổ dưới chân, tôi lo sợ và hoang mang đến tột độ, tôi chỉ biết nằm khóc mà thôi.
Đầu óc tôi quay cuồng, không nghĩ ra được những gì hay ho hơn mà chỉ nghĩ cách nào có tiền để chuyển khoản cho họ. Tôi không thiết ăn ngủ, sợ hãi, xấu hổ, căng thẳng, trách mình quá vội vã để mắc vào cái bẫy ngu xuẩn và nhục nhã này mà không biết phải làm sao bây giờ. Vay mượn đâu ra tiền để gửi cho bọn lừa đảo này đây? Trong lúc rối bời như vậy, bỗng tôi nhìn thấy chồng tạp chí Nắng Xuân xếp gọn ghẽ trên giá sách ngay đầu giường, một tia sáng lóe lên trong đầu.
Tôi nhớ lại năm 2020, Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (JIFF) tài trợ cho Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội thực hiện hoạt động đào tạo đội ngũ tuyên truyền, tư vấn pháp lý cho phụ nữ khuyết tật, trong khuôn khổ dự án có địa bàn Hội chúng tôi. Đặc biệt, nhờ sự tài trợ của Quỹ SecDev Foundation cho Hội NKT TP.Hà Nội với chủ đề “An toàn số và bảo vệ sự riêng tư” dành cho phụ nữ khuyết tật được triển khai từ tháng 9 - 12/2021 mà tôi đã được tham gia. Tôi lần lượt nhớ ra: những buổi tập huấn được giảng viên, luật sư và cả chuyên gia phòng chống tội phạm đã truyền đạt những kiến thức và kỹ năng về an toàn số. Nhớ được ra như vậy, tôi như người sắp chết vớ được cọc, tôi gọi ngay cho chị Thanh - Chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật của chúng tôi, đồng thời cũng là học viên của các lớp dự án trên và trình bày đầy đủ lại sự việc. Ngay lập tức, chị Thanh đến nhà và đèo tôi đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở huyện tôi. Tại đó, tôi được chị Sen hướng dẫn cụ thể: “Người lừa em một lúc phạm 3 tội: Tội đe dọa tống tiền, việc đe dọa tung ảnh nóng có thể khép vào tội Làm nhục người khác, và tùy theo mức độ hình ảnh mà em chụp gửi cho bọn chúng, nếu chúng đăng lên mạng xã hội có thể bị khép thêm tội Truyền bá văn hóa phẩm đồ trụy”. Và chị nói “Rất may em chưa chuyển tiền cho bọn chúng vì bọn chúng khi đe dọa cưỡng đoạt tiền được một lần thì sẽ không dừng lại đâu và sẽ lại tiếp tục đe dọa những lần sau và sau nữa đấy. Bây giờ em chụp lại tất cả các đoạn chát trao đổi thông tin, đặc biệt là nội dung đòi đưa tiền để làm bằng chứng. Sau đó em mang theo các giấy tờ cần thiết (Căn cước công dân, Giấy xác định mức độ khuyết tật) đến công an phường/xã nơi em ở, các anh công an sẽ hướng dẫn em làm đơn tố cáo theo mẫu”.
Nhờ công nghệ cao các anh công an đã nhanh chóng xác minh được địa chỉ ID của nick “Thảo Mai” và cả chủ tài khoản yêu cầu tôi gửi tiền là ai. Kẻ lừa đảo đã bị bắt, cái ác phải đền tội nhưng với tôi đó quả là bài học đắt giá, giúp tôi rút ra được bài học nhớ đời.
Khi kết bạn với ai trên mạng, cần vào trang xem họ là ai, hoạt động như thế nào, nội dung họ thường xuyên đăng là gì, trong danh sách bạn bè của họ có ai là người mình quen để có thể xác minh nhân thân của họ không. Tuyệt đối không nhấn vào các đường link lạ, không gửi thông tin cá nhân (số điện thoại, số tài khoản, địa chỉ nhà riêng…) cho những người không quen biết. Khi có yêu cầu gửi ảnh, cần có tư vấn của chuyên gia pháp lý hoặc có cam kết bằng văn bản là không sử dụng vào mục đích khác…
Thế đấy các bạn ạ, ảnh nóng gửi đi và tôi đã nhận được món quà lạnh - lạnh như gáo nước đá dội vào đầu trong những ngày giá rét là thế đấy…
--------------------------
Hội người khuyết tật Tp.Hà Nội - DP HaNoi mời các bạn hãy COMMENT bình chọn các tác phẩm CUỘC THI VIẾT "KHÔNG GIAN ẢO - BẠO LỰC THẬT" cùng lựa chọn những tác phẩm yêu thích nhất và chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa.
https://www.facebook.com/DpHanoi.org.vn/posts/5659917204024153
BTC.