Diễn văn hưởng ứng ngày quốc tế người khuyết tật 3/12 năm 2023
Chúng ta kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật (NKT) trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là thành công trong việc thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội. Chủ đề ngày quốc tế người khuyết tật năm 2023 được Liên hiệp quốc đưa ra là: “Chung tay hành động để bảo toàn và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững với người khuyết tật, do người khuyết tật và vì người khuyết tật”.
Nhân dịp này, thay mặt Hội người khuyết tật Tp.Hà Nội - DP Hanoi, tôi xin trân trọng gửi tới các vị lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, UBND TP Hà Nội và các Sở, Ban ngành liên quan, các tổ chức trong và ngoài nước, quý vị đại biểu và toàn thể anh chị em hội viên và NKT lời chúc sức khoẻ và hạnh phúc.
Cộng đồng người khuyết tật (NKT) rất phấn khởi vì tất cả các cơ quan Chính phủ từ trung ương đến địa phương đã coi ngày quốc tế NKT là một dịp quan trọng để thể hiện sự quan tâm và hành động của Chính phủ Việt Nam tới NKT, minh chứng cho sự trợ giúp của Nhà nước, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng, hoà nhập của NKT và cũng là dịp khẳng định vai trò của các tổ chức của NKT góp phần xây dựng đất nước. Chúng tôi tin tưởng rằng thúc đẩy hoà nhập và bình đẳng cho NKT không chỉ được thể hiện trong một ngày này mà còn trong tất cả 364 ngày còn lại. Ngày quốc tế NKT không chỉ là dịp để kỷ niệm, hưởng ứng mà còn là cơ hội để tất cả chúng ta nhìn lại và đánh giá xem những gì đã làm được, những gì cần phải cải thiện.
Khi chúng ta nói về NKT và cộng đồng NKT, một điều vô cùng quan trọng là chúng ta cần đề cập đến tất cả các dạng tật khác nhau: người khuyết tật vận động, người khiếm thị, người khiếm thính, người khuyết tật trí tuệ, thần kinh-tâm thần... ở mọi lứa tuổi, giới tính, vùng miền… Và, tất cả những người khuyết tật khác nhau đều có quyền được hưởng đầy đủ các quyền trên cơ sở bình đẳng như mọi người, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và tham gia hoà nhập đầy đủ như mọi công dân trong xã hội một cách dân chủ và bình đẳng.
Hội NKT TP Hà Nội là một tổ chức xã hội của NKT, với 46 tổ chức hội viên và hơn 16,000 hội viên khuyết tật, bao gồm nhiều dạng tật khác nhau. Được sự hỗ trợ của các Bộ, Sở, Ban Ngành, các Hội đoàn thể, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt sự chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp từ UBND TP Hà Nội, Hội người khuyết tật Tp.Hà Nội - DP Hanoi đã góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức trong việc khẳng định quyền của NKT, thay đổi cách nhìn hoặc cách hỗ trợ NKT từ từ thiện sang cách hỗ trợ dựa trên quyền của NKT. NKT không còn "bị" coi là những đối tượng không may mắn cần được trợ giúp, mà quan trọng hơn, NKT có thể tự khẳng định mình, góp phần xây dựng xã hội, có đầy đủ mọi quyền và bình đẳng như mọi công dân khác. NKT không phải là những người anh hùng; NKT cũng không phải là nạn nhân. Chúng tôi, cũng như tất cả mọi công dân khác, có khả năng tự quyết định cho cuộc sống của mình, tìm kiếm một cuộc sống bình yên, hạnh phúc trong cộng đồng xã hội. Chúng tôi mong muốn được có cơ hội, được tạo cơ hội để tham gia, để khẳng định bản thân và hoà nhập xã hội.
Trong những năm qua, đặc biệt từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về quyền của NKT, cuộc sống của NKT đã có nhiều cải thiện. Nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo cơ hội cho NKT được phát triển khả năng của mình, chủ động hoà nhập xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều NKT gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, họ sống trong những gia đình nghèo, trình độ học vấn thấp, không có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội. NKT còn gặp nhiều rào cản, cản trở việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông, văn hoá du lịch thể thao...
Vì vậy, trên tinh thần hưởng ứng chủ đề Liên hiệp quốc về ngày quốc tế NKT năm nay, chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bên liên quan:
1-Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức của NKT từ trung ương đến địa phương ra đời và duy trì, hoạt động, từ đó NKT có cơ hội tham gia vào hoạt động cộng đồng, tiếng nói của NKT được lắng nghe.
2-PN và TEGKT gặp nhiều rào cản trong quá trình hoà nhập xã hội do định kiến giới và khuyết tật. Hiện đã có mạng lưới PNKT miền Bắc, miền Trung và miền Nam, vì vậy, đề xuất xây dựng mạng lưới PNKT cấp quốc gia để PN và TEGKT có cơ hội giao lưu, chia sẻ, nói lên tiếng nói của mình.
3-Hợp tác với các tổ chức của NKT trong quá trình nâng cao năng lực cho NKT, thúc đẩy hoà nhập và bình đẳng.
4-Đẩy mạnh vai trò và có cơ chế đối với các tổ chức của NKT trong quá trình xây dựng chính sách, thúc đẩy thực hiện chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách.
Chúng tôi muốn nhân dịp này, Chính phủ và cộng đồng xã hội hãy lắng nghe chúng tôi, hãy nhìn vào vấn đề thông qua lăng kính của NKT, hỗ trợ và hợp tác với các tổ chức của NKT để tìm ra giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất nhằm thúc đẩy sự hoà nhập và bình đẳng cho NKT.
Xin trân trọng cảm ơn.
Bà Đỗ Thị Huyền, chủ tịch hội người khuyết tật Tp Hà Nội
--------------------------------
HỘI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TP. HÀ NỘI
Địa chỉ: Tầng 5, Cung trí thức Hà Nội, Số 1 Tôn Thất Thuyết phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (024)35379257
Email: admin@dphanoi.vn, hoinkt@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/dphanoi.org.vn
Website: www.dphanoi.org.vn