Chuyến đi thiện nguyện về vùng rốn lũ

Chuyến đi thiện nguyện về vùng rốn lũ

Chuyến đi thiện nguyện về vùng rốn lũ


Khoảng hai tháng cuối năm 2020, miền Trung xảy ra trận lũ lịch sử. Với tinh thần "Cả nước vì miền Trung quyết tâm khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước ổn định cuộc sống của đồng bào vùng lũ", trên những nẻo đường đến các tỉnh miền Trung rất nhiều những đoàn xe chở hàng cứu trợ hàng ngày đổ về. Cũng vào thời điểm này, Ban chấp hành Hội người khuyết tật quận Tây Hồ chuẩn bị Đại hội Đại biểu  lần thứ hai, nhiệm kỳ (2020-2025).


Ảnh minh họa Internet

Dù không được tận mắt chứng kiến, nhưng qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi thấy nhiều cảnh tượng đau thương, khó khăn của đồng bào vùng lũ miền Trung. Qua mạng xã hội, Hội đã kết nối với Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoàng Mai -Trưởng phòng kiêm Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Lệ Thủy, giúp chúng tôi thấú hiểu được hoàn cảnh khó khăn của những người khuyết tật. Nhờ đó, Ban lãnh đạo Hội đã phát đông phong trào ủng hộ người khuyết tật huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình với tinh thần “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” nhân dịp Đại hội đại biểu Hội lần thứ hai Hội ngày 9 tháng 11 năm 2020, ngày tổ chức Đại hội lần thứ II của Hội, đã phát độngphong trào ủng hộ người khuyết tật huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Sau hơn 10 ngày phát động, cán bộ và hội viên Hội đã quyên góp được một số tiền mặt và quần áo, đồ dùng. Tối ngày 2/12/2020, đoàn thiện nguyện của Hội gồm ba người - Chủ tịch,  một ủy viên Ban chấp hành,  1 ủy viên Ban Kiểm tra - đi xe khách vào tặng quà giúp đỡ người khuyết tật huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nhân dịp ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12.

Đoàn được Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Lệ Thủy đưa đến UBND xã Thanh Thủy để thăm hỏi, trao quà cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Đến tận nơi, đoàn mới hiểu rõ những khó khăn, vất vả của đồng bào sau lũ. Cảnh tan hoang của những ngôi nhà bị sập, tốc mái, nhà xưởng, trường học bị thiệt hại nặng nề. Trước những mất mát đó, chúng tôi hiểu rằng 30 suất quà,, mỗi suất quà trị giá 500.000đ, chẳng đáng là bao, nhưng nhìn những người khuyết tật nhận quà với sự trân quý, nghẹn ngào, run run làm chúng tôi rất ấm lòng. Nhìn cụ già 99 tuổi lưng còng, cháu bé mới 5 tuổi đang còn ngơ ngác mắt ngấn lệ,  chúng tôi muốn có nhiều hơn nữa để giúp được nhiều người hơn, nhưng "lực bất tòng tâm", vì chúng tôi cũng là người khuyết tật.


Ảnh minh họa Internet

Chia tay bà con xã Thanh Thuỷ, đoàn chúng tôi ghé thăm nhà thờ và Nhà Lưu niệm Đại tướng, Tổng Tư Lệnh lực lượng vũ trang Võ Nguyên Giáp ở xã An Thủy ở vùng rốn lũ. Lại một lần nữa chúng tôi thấy rõ sự hung dữ của giặc nước, nhà thờ họ Đại tướng sập đổ toàn bộ. Nhà Lưu niệm ngập sâu dưới nước 2m, tất cả những đồ thờ trong nhà bị ngập nước, hư hỏng, một số đồ lưu niệm bị trôi nổi và mục nát. Tối ngày 3/12 đoàn chúng tôi lên xe trở về Hà Nội, trong lòng man mác nỗi buồn và cứ tự hỏi  “Tại sao mình không làm được nhiều hơn nữa ? Sao có những người có điều kiện mà họ thờ ơ như thế ”?

Chuyến đi ấy đã giúp đoàn hoàn thành tâm nguyện của anh chị em cán bộ, hội viên Hội NKT quận Tây Hồ và hiểu thêm về tình cảm của người dân Việt Nam “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no”. Đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ nhờ sự giúp đỡ tận tình của đại diện UBND huyện Lệ Thuỷ và Đảng uỷ, UBND xã Thanh Thuỷ.  Chúng tôi mong rằng  sẽ có nhiều tấm lòng vàng hướng về đồng bào Miền Trung vì ở đó có nhiều người đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng./.

Vũ Hữu Lào
Hội NKT quận Tây Hồ