Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 46 đến câu 50)

Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 46 đến câu 50)

Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 46 đến câu 50)

Câu hỏi số 46: Các con tôi là người khuyết tật đặc biệt nặng, vợ chồng cháu đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 700.000đ/tháng/1người. Nhưng Ủy ban nhân dân xã chỉ chi trả 1 xuất kinh phí chăm sóc cho gia đình tôi. Việc chi trả như vậy có đúng với quy định của pháp luật không?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định về hệ số tính mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng thì tại điểm đ khoản 1 có nêu “đ) Trường hợp cả vợ và chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng quy định tại Khoản 1 Điều này thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này”.

Vậy căn cứ vào quy định này cho thấy Ủy ban nhân dân chỉ chi trả cho gia đình bạn 1 suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc khi gia đình có 2 người là khuyết tật đặc biệt nặng là vợ chồng là đúng theo quy định hiện hành.

Chúc bạn bình an!

-------

Câu hỏi số 47: Tôi xin hỏi cá nhân có quyền thay đổi họ của mình không? Những trường hợp nào thì được quyền thay đổi họ và hậu quả pháp lý sẽ như thế nào?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ của mình.

- Trường hợp được thay đổi họ khi:

  1. Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
  2. Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
  3. Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
  4. Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
  5. Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
  6. Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
  7. Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
  8. Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

- Khi thực hiện việc thay đổi họ thì, đối với người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

- Hậu quả pháp lý: Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.

Chúc bạn luôn hạnh phúc và bình an!

--------

Câu số 48: Hiện nay có nhiều người đang chuyển giới và vẫn sinh hoạt bình thường. Vậy tôi xin hỏi khi làm như vậy thì họ có được nhà nước công nhận giới tính mới hay không?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Hiện nay, số lượng người có nhu cầu chuyển giới là rất cao (thống kê từ Bộ Y tế). Việc được công nhận giới tính cũng nằm trong quyền con người. Từ thực tế, những người chuyển giới đã có những đóng góp tích cực cho xã hội và đất nước, từ đó mọi người không có cái nhìn kỳ thị gì với họ. Do vậy, từ Nghị định 88/2008/NĐ-CP cho đến Bộ luật Dân sự 2015 thì cũng quy định rất rõ về việc chuyển giới.

Theo đó điều 37 Bộ luật dân sự quy định “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Khi có quyền thay đổi giới tính thì nhà nước sẽ công nhận giới tính mới, đó là “Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định”. Và tại điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 nêu “Ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: xác định lại giới tính”.

Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên bạn biết rằng nhà nước đã ghi nhận quyền thay đổi giới tính và ghi nhận trong các quyền về hộ tịch của công dân.

Chúc bạn luôn hạnh phúc với quyết định của mình!

---------

Câu số 49: Phường tôi chưa thành lập Hội người khuyết tật cấp phường. Theo tôi được biết, trong Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã, phường phải có thành phần là người khuyết tật. Nhưng phường tôi chưa có thành phần này. Vậy xin hỏi, Hội đồng làm việc như vậy có đủ điều kiện theo luật định hay không?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 16 Luật Người khuyết tật năm 2010, thì Hội đồng xác định mức độ khuyết  tật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thành lập bao gồm những thành viên sau đây:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng;

b) Trạm trưởng trạm y tế cấp xã;

c) Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội;

d) Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã;

đ) Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.

 Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm tổ chức và chủ trì hoạt động của Hội đồng. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể. Cuộc họp của Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất hai phần ba số thành viên của Hội đồng tham dự. Kết luận của Hội đồng được thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số, trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Kết luận của Hội đồng được thể hiện bằng văn bản do Chủ tịch Hội đồng ký.

Hội đồng xác định mức độ khuyết tật quyết định độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực trong việc xác định mức độ khuyết tật”.

Như vậy, theo bạn nói thì xã bạn chưa có Hội người khuyết tật hay tổ chức của người khuyết tật nên chưa có thành viên của người khuyết tật tham gia trong Hội đồng xác định mức độ khuyết tật là đúng quy định.

Chúc bạn bình an!

 

--------

Câu hỏi số 50: Em có đi nhờ xe máy của một người quen, trên đường đi anh ấy có đội mũ bảo hiểm, em ngồi sau không đội mũ bảo hiểm thì bị công an lập biên bản. Em bị áp dụng mức phạt như thế nào?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo Điểm i, Điểm k Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe gắn máy (kể cả xe máy điện) như sau:

Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;

- Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy trường hợp của bạn sẽ bị xử phạt như sau:

- Lỗi chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm: mức phạt từ 2 trăm - 3 trăm nghìn đồng.