Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 41 đến câu 45)
Câu hỏi số 41: Hành vi cản trở kết hôn được pháp luật quy định như thế nào? Người có hành vi cản trở kết hôn thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
- Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định “Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ”.
- Theo đó, người có hành vi cản trở kết hôn thì bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Người có hành vi cản trở kết hôn bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2020.
Như vậy, hành vi cản trở được nêu rõ ràng trong quy định của pháp luật. Bạn đối chiếu và tham khảo cho tình hình thực tế.
Chúc bạn luôn Hạnh phúc!
--------
Câu hỏi số 42: Tôi có mở cửa hàng tân dược, trong quá trình kiểm tra thì tôi bị xử phạt vi phạm hành chính và phạt bổ sung. Tôi xin hỏi các hình thức xử phạt hành chính và bổ sung được quy định như thế nào?
Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Các hình thức xử phạt hành chính bao gồm: Phạt cảnh cáo; phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
Các hình thức xử phạt bổ sung đó là: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Đây là những quy định cụ thể về các hình thức xử phạt hành chính và phạt bổ sung. Đối chiếu với thực tế của bạn, bạn xem để chấp hành theo quy định.
Chúc Bạn An vui!
--------
Câu hỏi số 43: Một người như thế nào được coi là mất năng lực hành vi dân sự? Người bị mất năng lực hành vi dân sự thì các hành vi của họ do ai chịu trách nhiệm?
Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Người bị mất năng lực hành vi dân sự là “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự”
- Trong điều 22 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định “Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”
Như vậy, người được coi là mất năng lực hành vi dân sự phải được Tòa án ra quyết định tuyên bố theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
Chúc bạn có những quyết định đúng đắn, Bình an!
-------
Câu hỏi số 44: Trong gia đình tôi có một người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Mọi hành vi của họ đều phải có người kèm và giám sát. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này?
Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Điều 23 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Theo đó:
- “Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”.
- “Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.
Như vậy, những người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng phải có quyết định của Tòa án thì những hành vi của họ mới có người giám hộ và trách nhiệm, nghĩa vụ giám sát thuộc về người giám hộ được xác định.
Chúc bạn An Vui!
--------
Câu hỏi số 45: Tôi nghe nhiều người nói về những người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Vậy, khi giao kết hợp đồng hay thỏa thuận dân sự với những người này thì có hậu quả pháp lý như thế nào?
Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Bộ Luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp hạn chế năng lực hành vi dân sự đó là:
- Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
- Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
- Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Chúc bạn có những ứng xử pháp luật phù hợp!