Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 31 đến câu 35)

Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 31 đến câu 35)

Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 31 đến câu 35)

Câu hỏi số 31: Tôi đang là đồng sở hữu một mảnh đất với một số anh chị em trong nhà. Nay tôi muốn bán đất nhưng có một người không đồng ý. Vậy có cách nào để bán được mảnh đất này hay không?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 nêu rõ “Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia dình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liên với đất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này thì giấy chứng nhận được cấp cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của từng người.

Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp Giấy chứng nhận theo q       uy định tại Khoản 1 điều này; tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với... (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".

Như vậy, bạn đang cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liên với đất nên có quyền lợi ngang nhau đối với mảnh đất trên. Do đó, việc chuyển nhượng đất phải có sự đồng ý của tất cả các đồng sở hữu là anh chị em của bạn.

Cách duy nhất có thể thực hiện việc chuyển nhượng đất không cần đền sự đồng ý của những đồng sở hữu còn lại là bạn yêu cầu tiến hành tách thửa đất và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo phần của từng người chủ sở hữu theo quy đinh của pháp luật.

Sau khi thửa đất đã được tách cho từng người sở hữu theo quy định của pháp luật thì bạn có thể chuyển nhượng phần đất của mình cho bất kỳ ai mà không cần sự đồng ý của những người còn lại.

Trình tự xin tách thửa đất được quy định tại Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Đơn đề nghị xin tách thửa hoặc hợp thửa theo mẫu số 11/ĐK;

- Bản gốc Giấy chững nhận đã được cấp.

Thẩm quyền thuộc về Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.

Tuy nhiên, việc bạn có được tách thửa đất này hay không còn phụ thuộc vào việc diện tích đất sẽ thuộc quyền sở hữu của bạn có đủ điều kiện để được tách thửa hay không. Mỗi địa phương thì diện tích tối thiểu được tách thửa là khác nhau. Nếu đất tại Hà Nội thì theo quy định tại Quyết định 20/2017/QĐ-UBND thì diện tích có diện tích không nhỏ hơn 30m2 đối với khu vực các phường, thi trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mới giao đất ở quy định đối với các xã còn lại.

Chúc bạn có lựa chọn tốt nhất đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình và thuận hòa với các chủ sở hữu khác.

--------

Câu số 32: Tôi là người độc thân, nay 32 tuổi, muốn xin con nuôi là con của chị gái ruột vì chị ấy đã ly hôn với chồng, hoàn cảnh gia đình khó khăn? Vậy thủ tục phải làm như thế nào?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

-Về điều kiện: Bạn có quyền nhận nuôi con của chi gái mình theo quy định của Luật nuôi con nuôi năm 2010. Theo nội dung quy định của Luật này thì cần nhận được sự đồng ý cho làm con nuôi của cha mẹ đẻ của trẻ nhận làm con nuôi. Nếu trẻ em trên 09 tuổi thì cần phải nhận được sự đồng ý của trẻ.

Người đồng ý cho làm con nuôi phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi;

Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buội hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.

- Về thủ tục:

         + Hồ sơ của người nhận nuôi con theo quy định như sau (điều 17 Luật nuôi con nuôi): .1 Đơn xin nhận con nuôi; 2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; 3. Phiếu lý lịch tư pháp; 4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; 5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này ”.

            + Hồ sơ của người con nuôi (khoản 1 điều 17 Luật nuôi con nuôi) bao gồm : «1. Giấy khai sinh; 2. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; 3. Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng”.

Như vậy, bạn có thể được nhận nuôi con của chị gái bạn nếu đủ những thủ tục trên theo quy định của pháp luật.

         Chúc bạn luôn Bình an và hạnh phúc !

-------

Câu hỏi số 33: Tôi chưa đăng ký kết hôn, nay sinh con. Tôi muốn con mang họ cha mà không cần làm thủ tục nhận cha con có được không?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi trả lời như sau :

Việc ghi tên, họ cho con phải có sự thống nhất, đồng ý của cha mẹ đẻ. Trong trường hợp của bạn, do chưa đăng ký kết hôn nên muốn con mang họ của cha đẻ thì phải làm thủ tục nhận cha cho con. Vì theo quy định tại Khoản 1a Điều 1 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì « họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh ; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán ».

Do vậy, để con được mang họ cha đẻ thì chị đăng ký kết hôn với cha của con chị (nếu đủ điều kiện đăng ký kết hôn) hoặc đến UBND xã làm thủ tục khai nhận cha cho con theo quy định.

Chúc bạn mạnh khỏe và hạnh phúc !Câu số 34: Bố tôi có ủy quyền cho tôi sử dụng một mảnh đất, nay Bố tôi đột ngột mất mà không để lại di chúc. Như vậy, việc ủy quyền sử dụng và định đoạt cho tôi sử dụng mảnh đất có được coi là Di chúc không?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi trả lời như sau:

Hợp đồng ủy quyền được hiểu là “ sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định” được quy định tại Điều 562 Bộ Luật Dân sự 2015.

Về thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy đinh thì hơp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (Điều 563 Bộ Luật dân sự 2015).

Theo quy định của Bộ Luật Dân sự thì ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp sau:

  1. Hợp đồng ủy quyền hết hạn;
  2. Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
  3. Bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại điều 588 của Bộ luật này.
  4. Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

Với quy định như trên thì khi bố của bạn chết, hợp đồng ủy quyền đã ký trước đó phải chấm dứt, việc ủy quyền không còn quyền để tiếp tục thực hiện công việc mà mình đã nhận làm theo hợp đồng.

Như vậy, ủy quyền này không được coi là di chúc. Nếu Bố bạn không để lại di chúc thì những tài sản của Bố bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

Chúc bạn luôn hạnh phúc và bình an!

--------

Câu hỏi số 35: Chồng tôi mua sổ xố và trúng giải thưởng đặc biệt. Chồng tôi nói đó là tài sản riêng của chồng tôi nên mang đi kinh doanh riêng. Vậy tôi xin hỏi, tiền trúng vé số có được gọi là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hay không?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo điều 43 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: Tài sản riêng của vợ, chồng:

  1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ,chồng theo quy định của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
  2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khỏn 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Bên cạnh đó, tại Điều 9 Nghị định 126/2014/NĐ_CP hướng dẫn Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình. Theo đó thì tài sản chung của vợ chồng gồm tái sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.

Thu nhập khác ở trên được quy định là “1. Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 11 của Nghị định này”.

Như vậy tiền trúng vé số là tài sản chung của vợ chồng.

Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc!