Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 26 đến câu 30)

Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 26 đến câu 30)

Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 26 đến câu 30)

Câu hỏi số 26: Bố tôi lập Di chúc để lại toàn bộ tài sản cho tôi. Khi Bố tôi chết, Mẹ và các con của ông còn sống. Vậy khi mở Di chúc thừa kế Công chứng viên yêu cầu xác định các hàng thừa kế của Bố tôi. Tại sao?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, theo đó: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

  1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  2. Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

Như vậy kể cả di chúc không cho những người nêu trong điều luật trên được hưởng thì họ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, không phụ thuộc di chúc cho ai. Do vậy, Di chúc được lập hợp pháp, không có ai tranh chấp nhưng quy định của pháp luật vẫn bắt buộc phải xác nhận các hàng thừa kế xem có ai thuộc diện theo quy định tại điều 644 không? Đây là một quy định mang tính nhân văn, bảo đảm cho những người “yếu thế” hơn vẫn được quyền có tài sản hợp pháp.

Chúc bạn luôn hạnh phúc!

-------------

 

Câu hỏi số 27: Xin hỏi, Bố Mẹ chồng tôi mất không để lại Di chúc. Chồng tôi chết trước Bố Mẹ. Nay con tôi được hưởng di sản thừa kế mà tôi không được hưởng? Vậy quy định như thế có đúng không?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Đây thuộc trường hợp “Thừa kế thế vị” theo quy định tại Điều 652 Bộ Luật dân sự năm 2015. Đó là: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Như vậy, vì chồng chị chết trước Bố Mẹ chồng chị nên con của chị trở thành người thừa kế thế vị của Bố cháu. Vì chồng chị không phải là người được thừa kế nên chị không được hưởng thừa kế (theo hàng thừa kế thứ 1) của chồng chị được.

Chúc Chị luôn mạnh khỏe và Bình an!

 -------------

Câu hỏi số 28: Vợ chồng có quyền được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hay không? Hình thức chia như thế nào và hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như thế nào?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”. Như vậy, vợ chồng có toàn quyền quyết định trong việc thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Các bên tự thỏa thuận theo ý chí hoặc có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Về hình thức: Thỏa thuận phải được lập bằng văn bản công chứng hoặc các hình thức khác và ghi rõ hiệu lực về thời gian của tài sản được thỏa thuận chia trong văn bản đó.

Về hậu quả pháp lý:

- Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định;

- Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ chồng là tài sản riêng của vợ, chồng;

- Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.

Chúc bạn luôn An vui và Hạnh phúc!

Câu hỏi số 29:  Một người bị xúc phạm danh dự nhân phẩm, khiến họ bị ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống. Như vậy, người xúc phạm có phải bồi thường và chịu trách nhiệm như thế nào?

Trả lời: Câu hỏi của Bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm có quyền yêu cầu bổi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật Dân sự hoặc tùy vào tính chất, mức độ của hành vi có thể bị xử phạt vi phạm Hành chính hoặc Hình sự.

Theo quy định tại Điều 37 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.

Điều 611 cũng quy định Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Đó là “Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị giảm sút.

Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bổi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”

Như vậy, nếu muốn được bồi thường theo quy định thì phải chứng minh có hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra. Tùy vào mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra để yêu cầu bồi thường cụ thể.

Chúc bạn luôn Bình an!

------------- 

Câu hỏi số 30: Chồng tôi có vay của người quen một số tiền để chơi cờ bạc. Nay đã quá hạn mà chồng tôi không trả được. Người đó đến nhà đòi tôi và yêu cầu tôi phải trả thay cho chồng vì họ nói vợ chồng phải có trách nhiệm. Vậy tôi xin hỏi, trong trường hợp này tôi có phải trả nợ thay cho chồng không? Tôi có phải chịu trách nhiệm gì hay không?

Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định tài Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Vợ chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện”.

Nhưng mặt khác, theo Điều 37 Luật này ghi nhận “Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ sau thì sẽ dùng tài sản chung vợ chồng để giải quyết: nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập; nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ Luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì có thể xác định được trách nhiệm liên đới của vợ chồng nếu giao dịch đó sử dụng vào nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện giữa vợ và chồng như: chăm sóc sức khỏe, con cái học hành, sửa chữa nhà cửa… dù không có bàn bạc hay thống nhất thì trách nhiệm vẫn là liên đới. Nhưng trường hợp vay tiền sử dụng vào mục đích nhu cầu cá nhân của một bên thì nếu chị chứng minh được việc chồng chị vay tiền không đưa vào sử dụng chung thì chị không có trách nhiệm trả nợ thay cho chồng chị.

Chúc Chị luôn An vui và hạnh phúc!