Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 11 đến câu 15)
Câu hỏi số 11: Gia đình có người bỏ nhà đi mà không tìm thấy. Vậy tài sản của người bị tòa án tuyên bố mất tích sẽ được quản lý như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi có ý kiến trả lời như sau:
Tại điều 69 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về việc quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích như sau:
“Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.
Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.”
Và theo điều 65 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú thì những người sau đây được quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú:
“Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho người sau đây quản lý:
a) Đối với tài sản đã được người vắng mặt uỷ quyền quản lý thì người được uỷ quyền tiếp tục quản lý;
b) Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;
c) Đối với tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.
Trường hợp không có những người được quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.”
- Nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú (điều 66 Bộ Luật dân sự 2015):
+ Giữ gìn, bảo quản tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình.
+ Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng.
+ Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Tòa án.
+ Giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người này trở về và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Quyền của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú (điều 67 Bộ Luật dân sự 2015):
+ Quản lý tài sản của người vắng mặt.
+ Trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt.
+ Được thanh toán các chi phí cần thiết trong việc quản lý tài sản của người vắng mặt.
Chúc bạn luôn hạnh phúc!
------------
Câu hỏi số 12: Tôi là người khuyết tật. Tôi bị hàng xóm có đơn tố giác tôi ra công an về hành vi trộm cắp tài sản. Tôi muốn hỏi người bị tố giác thì có quyền và nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trả lời:
Vấn đề của bạn hỏi chúng tôi có ý kiến trả lời như sau:
Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 quy định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có các quyền và nghĩa vụ như sau:
“1. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:
a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;
d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;
h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố.”
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đang là người khuyết tật. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì bạn có thể được trợ giúp pháp lý nếu là hộ nghèo, cận nghèo hoặc có khó khăn về tài chính. Như vậy, căn cứ vào quy định tại điều Luật nêu trên bạn có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định.
Chúc bạn Bình an!
------------
Câu số 13: Do không có việc làm, chỉ ở nhà nội trợ nên bị gia đình nhà chồng và chồng coi thường. Chồng tôi luôn vô cớ mắng nhiếc, đánh đập mỗi khi không vừa ý. Tôi có được nhờ chính quyền can thiệp không? Vậy tôi muốn biết hành vi trên của chồng tôi có phải là hành vi bạo lực gia đình không? Nếu có thì nạn nhân bạo lực gia đình như tôi thì có các quyền gì theo quy định của pháp luật?
Trả lời: Vấn đề của bạn hỏi, chúng tôi có ý kiến trả lời như sau:
Theo Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định rất rõ về các hành vi bạo lực gia đình, trong đó điểm a khoản 1 nêu rõ “Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;” là một hành vi bạo lực gia đình. Do đó, hành vi mắng nhiếc, đánh đập của chồng bạn là một hành vi bạo lực gia đình và bạn là nạn nhân bạo lực gia đình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì nạn nhân của bạo lực gia đình có các quyền sau:
1. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình
2. Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình;
3. Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
4. Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình;
5. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh các quyền nói trên, Điều luật này còn quy định nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Chúc Bạn có những quyết định đúng đắn nhất và Bình an!
------------
Câu hỏi 14: Do có hành vi bạo lực gia đinh với tôi nên chồng tôi bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ra quyết định cấm tiếp xúc với vợ. Tuy nhiên sau ngày có quyết định này, gia đình tôi có người đột ngột qua đời. Vậy xin hỏi, trường hợp này chồng tôi có được tiếp xúc với vợ không?
Trả lời:
Vấn đề của bạn hỏi, chúng tôi có ý kiến trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Luật Phòng chống bạo lực gia đình và khoản 6 Điều 9 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình thì các trường hợp đặc biệt mà người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình sau khi báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình, bao gồm:
1. Gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi;
2. Gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng;
3. Tài sản của gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;
4. Những trường hợp khác mà phải tiếp xúc theo phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Do đó, chồng chị sẽ được tiếp xúc với vợ sau khi báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của vợ.
Chúc Chị luôn Bình an!
------------
Câu hỏi số 15: Tôi là người khuyết tật, năm 2016 tôi và chồng ly hôn, hiện tại tôi đang nuôi con gái được 6 tuổi. Theo quyết định của Tòa án thì mỗi tháng chồng tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con là ba triệu đồng. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay anh ta không thực hiện việc cấp dưỡng. Khi tôi liên lạc thì anh ta bảo sẽ đưa sau nhưng sau đó không hề đưa. Năm nay con tôi bắt đầu đi học, thu nhập của tôi không đủ để lo cho con. Vậy tôi phải làm thể nào để anh ta thực hiện việc cấp dưỡng cho con?
Trả lời:
Vấn đề của bạn hỏi, chúng tôi có ý kiến trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về nghĩa vụ cấp dưỡng thì “ Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô,dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác”.
Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ được chấm dứt trong các trường hợp sau:
“1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động và có tài sản để tự nuôi mình;
2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
6. Trường hợp khác theo quy định của luật”.
Việc chồng bạn không cấp dưỡng nuôi con là vi phạm các quy định của pháp luật, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu anh ta tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo Bản án hoặc Quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật. Nếu chồng bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, bạn có quyền khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”
Mặc dù Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự,… không quy định trực tiếp biện pháp xử phạt đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng tuy nhiên hành vi này được quy định chung tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi “không thực hiện công việc phải làm… theo bản án, quyết định” của tòa án có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, khi bạn đã yêu cầu Tòa án buộc chồng cũ của bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà chồng cũ vẫn tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ hoặc chồng bạn đã bị xử phạt vi phạm về hành vi này thì bạn có thể tố cáo hành vi đó đến công an để truy cứu trách nhiệm hình sự chồng cũ của bạn về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều Luật này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 380 (tôi không chấp hành bản án), thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Chúc Bạn có những lựa chọn sáng suốt và mang lại những điều tốt lành cho con!