Báo cáo hoạt động Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội năm 2016
BÁO CÁO
HOẠT ĐỘNG NĂM 2016
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2017
Thực hiện quy định của pháp luật, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội (Hội) báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Hội năm 2016 như sau:
- Thông tin chung về tổ chức
a. Về hội viên:
- Tổng số hội viên:
+ Hội viên tổ chức: 55 (gồm 30 Hội NKT quận, huyện, thị xã; 25 nhóm/CLB/Trung tâm/doanh nghiệp)
+ Hội viên cá nhân: hơn 10.000 người
- Số hội viên mới kết nạp trong năm:
+ Hội viên tổ chức: 01 (CLB sản xuất - kinh doanh - dịch vụ Hội NKT Hà Nội)
b. Những người làm việc chuyên trách tại Hội: 07
- Số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao (nếu có): không
c. Số lượng các tổ chức trực thuộc Hội:
- Tổ chức có tư cách pháp nhân: 02
- Phòng, ban, đơn vị trực thuộc: 07 Ban công tác
- Văn phòng đại diện: Tầng 5, Cung trí thức Hà Nội, số 01 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội.
d. Việc kiện toàn tổ chức Hội (tổ chức Đại hội, hội nghị thường niên; họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ theo quy định của Điều lệ Hội, kiện toàn ban lãnh đạo, các chức danh chủ chốt…)
- Ban Chấp hành và Ban Thường trực hội tổ chức họp theo định kỳ quy định tại Điều lệ Hội.
đ. Khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội:
- Khen thưởng:
+ Thành hội được UBND thành phố tặng bằng khen nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Hội; UBND thành phố tặng bằng khen năm 2016.
+ Sở LĐTBXH tặng giấy khen 27 tổ chức thành viên của Hội có thành tích tốt trong công tác hoạt động Hội nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Hội.
+ UBND thành phố tặng 03 cờ thi đua năm 2016 cho Hội NKT quận Nam Từ Liêm, Hội NKT quận Thanh Xuân và Hội NKT huyện Phú Xuyên.
+ Nhiều Hội NKT quận, huyện và cán bộ Hội được các tổ chức và UBND quận, huyện tặng giấy khen có thành tích trong công tác hỗ trợ NKT và đóng góp vào phong trào phát triển kinh tế của địa phương, như tại Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Quốc Oai…
- Kỷ luật: không
- Khiếu nại và tố cáo trong nội bộ Hội cấp thành phố: không
- Kết quả hoạt động và việc thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao
Năm 2016, Hội đã họp BCH mở rộng để xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2016 và nhiệm vụ thành phố giao, dưới đây là những kết quả hoạt động chính trong năm 2016:
2.1 Phát triển tổ chức
- Công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IV 2017-2022: Hội đã thành lập các tiểu ban công tác (tiểu ban nội dung, tiểu ban nhân sự, tiểu ban gây quỹ) để chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IV, dự kiến tiến hành vào tháng 4 năm 2017. Hiện nay, Hội đang lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị thành viên cho dự thảo Điều lệ sửa đổi, đồng thời đang hoàn thiện đề án nhân sự và quy chế gây quỹ.
- Rà soát và hỗ trợ các Hội NKT quận huyện đã quá thời gian tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II (Đống Đa, Long Biên). Tổ chức các chương trình giám sát, đánh giá hoạt động tại Hội NKT quận, huyện Hà Đông, Thường Tín và Tây Hồ nhằm hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý và hoạt động Hội.
- Hội NKT các quận, huyện tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn NKT thành lập Hội NKT tại các xã, phường, Hội NKT quận Thanh Xuân đã tiến hành làm thẻ hội viên cho hội viên tại 11 phường. Đến cuối 2016, toàn Hội có 85 Hội NKT cấp xã, phường tại 12 quận, huyện (trong đó có 08 xã, phường đã có quyết định cho phép thành lập và đang chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ nhất); 100 BVĐ và chi hội NKT thuộc 19 Hội NKT các quận, huyện. Nhiều Hội NKT và các chi hội phường xã tại các quận huyện đã chủ động phối hợp với huyện Hội và vận động chính quyền phương hỗ trợ tổ chức các hoạt động cho hội viên, thành lập các CLB trực thuộc Hội cấp xã (như CLB phụ nữ KT, CLB cha mẹ trẻ khuyết tật).
- Thành lập CLB sản xuất - kinh doanh - dịch vụ thuộc Hội để thúc đẩy phát triển các cơ sở kinh doanh của NKT và tạo việc làm cho hội viên.
- Tiếp tục thành lập các CLB trực thuộc Hội NKT quận, huyện, thị xã: CLB phụ nữ khuyết tật (27), CLB thanh niên khuyết tật (20), CLB văn nghệ/văn nghệ - thể thao (6), CLB Cha mẹ trẻ khuyết tật (7), CLB tư vấn pháp lý, Việc làm…
2.2 Vận động thực hiện chính sách liên quan đến NKT và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách pháp luật và thông tin tuyên truyền
- Tích cực vận động và thúc đẩy thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT (CRPD), Luật Người khuyết tật, Đề án trợ giúp NKT của chính phủ và kế hoạch trợ giúp NKT thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2020, đồng thời cử các cán bộ Hội tham gia vào các nhóm soạn thảo Báo cáo giám sát việc thực thi CRPD tại Việt Nam.
- Năm 2016, các Hội NKT quận, huyện, thị xã và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền về quyền bầu cử và vận động nhiều cán bộ, hội viên và cộng đồng NKT tham gia công tác bầu cử tại đại phương.
- Phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình tham vấn và đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Luật về Hội, Nghị định quy định về việc quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
- Phối hợp với Viện chiến lược giao thông, Bộ Giao thông vận tải để thúc đẩy thực hiện vấn đề giao thông tiếp cận, cung cấp thông tin và cung cấp ảnh liên quan đến vấn đề giao thông với NKT.
- Tham gia hội nghị khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về giới và giảm thiểu rủi ro thiên tai tổ chức tại Hà Nội. Trong khuôn khổ hội nghị, Hội phối hợp với Mạng lưới giảm nhẹ rủi ro thiên tai có hoà nhập người khuyết tật (DiDRR), trong đó có Malteser International và CBM, tổ chức Hội nghị bên lề về giảm nhẹ rủi ro thiên tai có hoà nhập người khuyết tật để chia sẻ thông tin về vấn đề hoà nhập NKT trong giảm thiểu rủi ro thiên tai.
- Ngoài ra, Hội và các tổ chức thành viên tham gia nhiều hội nghị, hội thảo đóng góp ý kiến và tham vấn về các vấn đề liên quan đến NKT do các Bộ, ngành tổ chức; tham vấn tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; cử cán bộ tham gia các hội nghị khu vực và quốc tế về lĩnh vực NKT tổ chức tại Thái Lan và Ấn Độ…
- Hàng loạt các Hội NKT quận, huyện phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố, phòng tư pháp quận, huyện tổ chức hàng chục chương trình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, phổ biến chính sách pháp luật cho gần 3.000 lượt hội viên và thanh niên khuyết tật tại các xã, phường.
- Trung tâm sống độc lập Hà Nội phối hợp với Cục bảo trợ Xã hội tổ chức hội thảo về Sống độc lập, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy nhân rộng mô hình sống độc lập tại các tỉnh, thành phố.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường quan hệ đối tác giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm nâng cao tiếp cận giáo dục cho trẻ em khuyết tật" do tổ chức Caritas Thụy Sĩ hỗ trợ, phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thực hiện từ năm 2014-2017 tại Hà Nội.
- Thông tin tuyên truyền: tiếp tục duy trì và cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử và Bản tin nội bộ của Hội. Các Hội NKT quận, huyện và các nhóm, CLB cũng tích cực giới thiệu các hoạt động của tổ chức; các cán bộ và hội viên của Hội tham gia các chương trình, phóng sự trên truyền hình; xây dựng website của tổ chức để đăng tải hoạt động của tổ chức và chia sẻ các thông tin liên quan đến NKT…
2.3 Công tác giáo dục – đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ Hội và hội viên
Trong năm 2016, hơn 500 lượt cán bộ, hội viên của Hội đã được tập huấn và nâng cao kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực hoạt động:
- Phối hợp với Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) tổ chức tập huấn “Quyền bầu cử với NKT” 27 cho lãnh đạo và cán bộ Hội NKT các quận, huyện và thị xã.
- Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ hòa nhập NKT (ICC) phối hợp với dự án CODV tổ chức các khóa tập huấn cho 40 lượt cán bộ, giảng viên của Hội về phương pháp giảng dạy tích cực và giảng dạy về các văn bản chính sách liên quan đến NKT.
- Tổ chức tập huấn công tác văn phòng và quản lý tài chính cho trên 60 lãnh đạo, cán bộ Hội NKT quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Thường Tín; tập huấn khởi sự kinh doanh cho 25 NKT tại huyện Quốc Oai.
- Tham gia các khóa đào tạo về gây quỹ do USAID tổ chức, tham gia nhiều khóa đào tạo về truyền thông, gây quỹ, minh bạch và giải trình do các Trung tâm, tổ chức phi chính phủ tổ chức. Đặc biệt, năm 2016 chị Nguyễn Minh Châu UV BCH Hội NKT quận Thanh Xuân giành học bổng tham gia khóa đào tạo lãnh đạo trẻ tại trường ĐH Montana, Mỹ.
- Tại huyện Ba Vì và Gia Lâm, Hội NKT và CLB cha mẹ trẻ khuyết tật đã tiến hành hỗ trợ dạy tại nhà cho 33 trẻ khuyết tật, tổ chức các hoạt động cho 20 nhóm bạn giữa trẻ khuyết tật và trẻ không khuyết tật; tập huấn cho hơn 70 cha mẹ trẻ khuyết tật, cán bộ Hội NKT về giáo dục hòa nhập và kỹ năng sống độc lập, các CLB cha mẹ trẻ khuyết tật thực hiện 30 cuộc tư vấn nhóm cho 207 cha mẹ; trên 70 giáo viên được tập huấn về giáo dục hòa nhập và tập huấn và trao đổi kinh nghiệm về các phương pháp giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại trường.
- Tại huyện Thanh Trì và Sóc Sơn: hơn 60 cán bộ, giáo viên của các trường thuộc dự án do Caritas Thụy Sỹ hỗ trợ được hướng dẫn và trang bị kiến thức để vận hành phòng, góc hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, các Hội NKT và CLB cha mẹ đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt và Phòng y tế huyện và xã khám sàng lọc cho 76 trẻ nghi khuyết tật, trong đó 47/52 trẻ tại Sóc Sơn được xác định là khuyết tật và được tiến hành sàng lọc để giới thiệu can thiệp y tế; tại Thanh Trì triển khai thí điểm mô hình phối hợp với Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã Tả Thanh Oai xác định mức độ khuyết tật cho trẻ và đã cấp giấy xác nhận khuyết tật cho 6 trẻ và đang chờ cấp giấy cho 8 trẻ.
- CLB cha mẹ trẻ tự kỷ, Trung tâm trợ giúp gia đình trẻ khuyết tật tiếp tục tổ chức các chương trình hướng dẫn và chia sẻ kỹ năng chăm sóc trẻ cho cha mẹ của trẻ khuyết tật.
- Năm 2016, Hội NKT huyện Phú Xuyên phối hợp cùng TT giáo dục thường xuyên tổ chức lớp xóa mù chữ cho 15 hội viên; Hội NKT quận Cầu Giấy và Ba Đình tiếp tục duy trì lớp học tình thương tại quận.
- Phối hợp triển khai chương trình đào tạo CNTT (MS office, photoshop, SEO, sửa chữa lắp ráp máy tính) cho 370 lượt NKT tại 08 quận huyện thuộc dự án hợp tác với Hội phục hồi chức năng NKT Hàn Quốc; ngoài ra dự án còn cung cấp các kỹ năng thiết lập mục tiêu, tìm kiếm việc làm cho học viên.
- Phối hợp với Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội giới thiệu và đưa đoàn học sinh khuyết tật (gồm 04 học sinh KTVĐ) tham dự chương trình Thách thức CNTT với thanh thiếu niên khuyết tật do Hội PHCN NKT Hàn Quốc phối hợp tổ chức tại Dương Châu, Trung Quốc. Chương trình có sự tham gia của học sinh KT ở các dạng tật khác nhau và đến từ 16 quốc gia, đoàn Việt Nam có em Dương Minh Hiếu học sinh lớp 12D3, trường THPT Phạm Hồng Thái, Ba Đình đạt hai giải nhì phần thi cá nhân đối với dạng KTVĐ (gồm phần thi powerpoint và tìm kiếm hình ảnh và thông tin trên internet).
2.4 Nâng cao nhận thức của hội viên, cộng đồng và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm
- Phối hợp với Trung dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội tổ chức chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập Hội và ngày hội việc làm cho nhập cho NKT với sự tham dự của hơn 600 đại biểu các cơ quan, hội viên và tình nguyện viên, chương trình có các hoạt động chính: lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, khai trương ngày hội việc làm, tọa đàm về vấn đề việc làm cho NKT khuyết tật, giao lưu văn nghệ, thi ảnh và trưng bày tranh ảnh về NKT, biên soạn kỷ yếu 10 năm xây dựng và phát triển Hội NKT Hà Nội …
- Các tổ chức thành viên vận động UBND, các ban ngành, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn quận, huyện thăm hỏi, tặng quà hội viên nhân dịp Tết nguyên đán, vận động tặng xe lăn cho hội viên, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho NKT, cấp thẻ hội viên, kết nối hỗ trợ làm thủ tục trợ cấp xã hội và giấy chứng nhận khuyết tật, tổ chức các hoạt động kỷ niệm, giao lưu giữa các Hội nhân ngày NKT Việt Nam, ngày Quốc tế phụ nữ, ngày thành lập đoàn thanh niên, ngày quốc tế thiếu nhi, tổ chức cho cán bộ, hội viên đi thăm quan, du lịch….
- Các CLB thanh niên khuyết tật một số quận, huyện như Thanh Xuân, Ba Vì, Mê Linh, Phúc Thọ, Hoài Đức, CLB sinh viên khuyết tật, Công ty TNHH Hồng Hà… tổ chức các chương trình đi thăm quan và giao lưu giữa thanh niên các quận huyện.
- Các Hội NKT quận, huyện phối hợp tổ chức chương trình kỷ niệm 8/3 và 20/10 cho hội viên nữ tại các quận, huyện và theo các Cụm thi đua với chủ đề chính là vai trò của phụ nữ khuyết tật trong phát triển Hội NKT.
- Tổ chức chương trình Hình ảnh NKT qua góc nhìn nghệ thuật tại một số trường học của quận Hoàn Kiếm, hoạt động này được tổ chức hàng năm tại một số quận huyện nhằm nâng cao nhận thức của các em học sinh và giáo viên trường THCS và THPT về người khuyết tật.
- Các thành viên của chi hội người Điếc Hà Nội tham gia dự án Nghe bằng mắt và đã có buổi công chiếu các tác phẩm phim ngắn do người điếc thực hiện tại rạp Công nhân, Hà Nội vào tháng 4/2016.
- Trung tâm sống độc lập Hà Nội phối hợp với 08 Hội NKT Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Ba Đình, Cầu giấy, Hà Đông, Gia Lâm, Thanh Trì và CLB Hoa Đá tổ chức các chương trình tham vấn đồng cảnh cho trên 100 NKT tại các quận huyện; tập huấn các kiến thức và kỹ năng cho người hỗ trợ cá nhân; tập huấn kỹ năng hỗ trợ NKT cho sinh viên ngành công tác xã hội.
- CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội tham gia chương trình học âm nhạc và biểu diễn tại cộng đồng nhằm nâng cao năng lực cho NKT và nâng cao nhận thức cộng đồng về khả năng và tài năng của NKT, chương trình do quỹ vì trẻ em khuyết tật, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Nội và Phòng văn hóa thông tin của một số quận huyện phối hợp triển khai.
2.5 Công tác dạy nghề và tạo việc làm
- Hội và các Hội NKT quận, huyện phối hợp với TT dịch vụ việc làm Hà Nội, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép NKT tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội và tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố; làm việc và thăm quan một số cơ sở có kế hoạch đào tạo và nhận NKT vào làm việc; kết nối NKT với các doanh nghiệp tuyển dụng NKT. Sau một số phiên giao dịch việc làm, gần 10 hội viên Hội NKT huyện Mê Linh đã tiếp cận việc làm tại các cơ sở, 03 hội viên tại Ba Đình tham gia các vòng phỏng vấn tại một số công ty….
- Hội NKT các quận/huyện, Ban thanh niên của Hội phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội và Trung ương đoàn thanh niên tổ chức các chương trình trợ giúp pháp lý, tập huấn lỹ năng tìm việc và hòa nhập NKT trong môi trường làm việc cho 960 NKT và thanh niên khuyết tật tại các quận huyện.
- Hội NKT quận huyện phối hợp tổ chức dạy nghề cho NKT, như: Mê Linh tổ chức 04 lớp dạy pha chế và nấu ăn, dạy nghề làm mũ, nón, thêu ren, hướng dẫn chăn nuôi; Thanh Xuân tổ chức 2 lớp may công nghiệp và 2 lớp chế biến món ăn; Ba Vì, Ứng Hòa, Phúc Thọ tổ chức dạy nghề may cho hội viên; Hội NKT Hà Đông kết hợp với công ty Kym Việt tạo việc làm ổn định cho 13 hội viên…
- Các đơn vị có chức năng dạy nghề và tạo việc làm như Trung tâm Vì ngày mai, công ty TNHH Hồng Hà tiếp tục triển khai các dự án và các lớp đào tạo về may, làm nghề thủ công, sơn mài cho hơn 100 NKT.
- Với chương trình đào tạo tin học đang triển khai tại 08 quận huyện: năm 2016 dự án đã phối hợp với công ty TNHH Hồng Hà và Công ty Cổ phần Nghị lực sống đào tạo và hỗ trợ việc làm cho 18 người, ngoài ra dự án hỗ trợ và giới thiệu trên 50 học viên làm việc tại các doanh nghiệp, tại các cơ sở photo copy, hoặc tự tạo việc làm như mở cửa hàng photocopy, bán hàng online….
- Hội NKT các quận, huyện và thị xã tiếp tục phối hợp với NH Chính sách xã hội thành phố giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình NKT. Số dự nợ từ năm 2012 đến nay là 39 tỷ 203 triệu đồng cho trên 2000 hộ gia đình NKT, trong đó số dư nợ bổ sung của năm 2016 tại 28 quận, huyện là 6 tỷ 788 triệu. Bên cạnh đó, Hội đã tiếp đón, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giải ngân nguồn vốn với nhiều tổ chức NKT tại các tỉnh, thành phố.
2.6 Hợp tác quốc tế
Năm 2016, Hội phối hợp và triển khai một số chương trình, dự án với các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế:
- Dự án hợp tác với Hội Phục hồi chức năng NKT Hàn Quốc (KSRPD): “Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho NKT tại Hà Nội” nhằm mở rộng cơ hội việc làm và thúc đẩy hòa nhập xã hội thông qua việc tăng cường kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho NKT, dự án triển khai tại 08 quận, huyện của thành phố.
- Triển khai các hoạt động của hợp phần dự án “Tăng cường quan hệ đối tác giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự nhằm nâng cao tiếp cận dịch vụ giáo dục cho trẻ khuyết tật” do tổ chức Caritas Thụy Sỹ hỗ trợ giai đoạn 2014 – 2017 tại 02 huyện Sóc Sơn và Thanh Trì.
- Tiếp tục phối hợp với Hội NKT Ba Vì và Gia Lâm triển khai các hoạt động của dự án phối hợp với tổ chức CRS tại Việt Nam về việc hỗ trợ thành lập và tổ chức CLB cha mẹ trẻ khuyết tật tại huyện Gia Lâm và Ba Vì.
- Đề xuất dự án về Tăng cường năng lực trong công tác truyền thông cho Hội NKT Hà Nội được quỹ Abilis Phần Lan thông qua và được triển khai từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017.
- Đề xuất dự án về Cải thiện môi trường giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật do Trung tâm ICC/ Hội NKT Hà Nội và Tổ chức Angels’ Haven (Hàn Quốc) xây dựng và dự kiến triển khai tại Trường Tiểu học Bình Minh huyện Đông Anh và trường Tiểu học Thanh Trì quận Hoàng Mai đã được KOICA phê duyệt vòng đầu và đang hoàn thiện các hồ sơ và thủ tục để chính thức xin phê duyệt triển khai dự án vào năm 2017.
- Hội NKT huyện Đông Anh và quận Hà Đông, Trung tâm hỗ trợ gia đình và trẻ khuyết tật trí tuệ, Nhóm Vì tương lai tươi sáng đã xây dựng và triển khai dự án hỗ trợ NKT do quỹ Abilis (Phần Lan) tại Việt Nam hỗ trợ. Các dự án hỗ trợ và thúc đẩy các vấn đề về tạo việc làm cho NKT, du lịch tiếp cận, nâng cao nhận thức cộng đồng…
- Hội NKT huyện Thanh Oai, huyện Mỹ Đức, quận Tây Hồ và Trung tâm ICC thực hiện dự án nhỏ thuộc Dự án CODV (Đan Mạch). Các dự án tập trung vào phát triển tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động, nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên và phổ biến pháp luật về NKT.
Ngoài ra, các Trung tâm (Vì ngày mai, TT sống độc lập Hà Nội, TT tư vấn và hỗ trợ hòa nhập NKT, TT trợ giúp gia đình trẻ khuyết tật trí tuệ, CLB gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội) và các Nhóm, CLB (CLB gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội, CLB sinh viên…) cũng triển khai nhiều chương trình, dự án với sự hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.
- Đánh giá chung:
Năm 2016, Hội và các tổ chức thành viên tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của UBND, các Sở, ban ngành của Thành phố. Hội đã tích cực triển khai các hoạt động được Sở LĐTB&XH thành phố đồng ý giao và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển Hội và Kế hoạch trợ giúp NKT của thành phố giai đoạn 2013-2020.
- Đóng góp vào việc thúc đẩy thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến NKT, đặc biệt là Công ước quốc tế về quyền của NKT, Luật NKT và Kế hoạch số 161/KH-UBND của thành phố.
- Vai trò và tiếng nói của Hội được ghi nhận và được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế mời tham gia và đóng góp ý kiến tại chương trình, hội nghị liên quan đến lĩnh vực người khuyết tật; được nhiều tổ chức quốc tế đến thăm, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm.
- Tăng cường sự liên kết và phối hợp giữa các tổ chức thành viên, triển khai các hoạt động theo Cụm thi đua và bước đầu đã phát huy được vai trò của các Cụm thi đua.
- Năng lực của cán bộ lãnh đạo Hội và các tổ chức thành viên từng bước được nâng cao, rút ra nhiều bài học và kinh nghiệm qua việc tổ chức hoạt động. Nhiều Hội đã chủ động phối hợp và vận động sự ủng hộ của các cơ quan, chính quyền và doanh nghiệp để củng cố tổ chức và tổ chức nhiều hoạt động cho hội viên. Một số tổ chức đang tiếp cận với các chương trình, dự án hỗ trợ NKT tại Việt Nam của các tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, Hội vẫn còn gặp một số khó khăn và hạn chế trong quá trình hoạt động:
- Các Ban công tác đã triển khai một số hoạt động, tuy nhiên chưa phát huy tối đa sự tham gia của các thành viên và chưa chủ động trong xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động hàng năm.
- Nguồn nhân lực và vật lực để giúp ổn định và phát triển Hội NKT cấp quận, huyện và xã phường còn nhiều hạn chế so với nhu cầu thực tế tại địa phương. Do vậy, việc phát triển Hội tại các xã phường triển khai chậm.
- Năng lực của các cán bộ Hội và các tổ chức thành viên tổ chức không đồng đều và chưa được đào tạo theo hệ thống dẫn đến việc triển khai hoạt động của nhiều nơi còn lúng túng, chưa gắn kết hoạt động Hội vào các phong trào tại địa phương.
- Phương hướng hoạt động năm 2017
Hội tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên, cơ quan và tổ chức liên quan tập trung vào các hoạt động chính: tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách, kế hoạch hỗ trợ NKT của Nhà nước và thành phố tới NKT; vận động và tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện Luật NKT; nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp; chủ động tổ chức các hoạt động thiết thực để hỗ trợ các tổ chức của NKT và NKT thành phố.
- Tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IV 2017 -2022 Hội NKT thành phố Hà Nội.
- Hỗ trợ Hội NKT quận, huyện tổ chức Đại hội nhiệm kỳ do quá thời gian Đại hội theo quy định; hỗ trợ thành lập Hội NKT xã, phường; thúc đẩy thành lập và nâng cao năng lực cho các CLB thuộc Hội NKT quận, huyện.
- Thúc đẩy triển khai thực hiện kế hoạch trợ giúp NKT thành phố giai đoạn 2013-2020 và kế hoạch của các quận, huyện và thị xã.
- Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp: kỹ năng quản lý tài chính và văn phòng, vận động thực hiện chính sách, truyền thông và gây quỹ, tổ chức trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các Hội quận, huyện và giữa các Hội xã, phường.
- Phối hợp với các TT dạy nghề quận, huyện tổ chức đào tạo tin học cho NKT; kết nối với TT dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp để hỗ trợ NKT tìm kiếm việc làm.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông về NKT, hưởng ứng các ngày lễ, ngày kỷ niệm của Việt Nam và Quốc tế để góp phần nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về các lĩnh vực liên quan đến NKT.
- Tham gia vào các phong trào thi đua do thành phố phát động.
- Tổ chức thực hiện các dự án theo kế hoạch và có hiệu quả với sự phối hợp hỗ trợ của các Sở, ban ngành và các Hội của thành phố; tìm kiếm và xây dựng các chương trình dự án mới.
- Đề xuất, kiến nghị
Để tạo điều kiện cho Hội và các tổ chức thành viên từng bước ổn định, phát triển bền vững và tổ chức hoạt động có hiệu quả phù hợp với nguyện vọng của NKT, Kế hoạch hỗ trợ NKT của thành phố, Luật Người khuyết tật, Hội đề nghị UBND Thành phố và các Sở Ban ngành chức năng quan tâm xem xét và giải quyết:
- Tiếp tục chỉ đạo UBND các quận, huyện và thị xã triển khai thực hiện Kế hoạch số 161/KH-UBND về trợ giúp NKT thành phố giai đoạn 2013-2020, tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch 161/KH-UBND.
- UBND các quận-huyện-thị xã tiếp tục quan tâm và hỗ trợ Hội NKT quận-huyện-thị xã hoạt động; cho phép và hỗ trợ việc thành lập và hoạt động các Hội NKT xã-phường-thị trấn.
- Lồng ghép việc hòa nhập người khuyết tật vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội của TP và chương trình hoạt động của các tổ chức đoàn thể.
- Chỉ đạo và thúc đẩy việc cải tạo và xây dựng mới các công trình công cộng đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng theo quy chuẩn và tiêu chuẩn của chính phủ ban hành.
- Cải thiện chất lượng trong việc thông tin tuyên truyền cho người khiếm thính. Hỗ trợ xây dựng và tổ chức đào tạo giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu. Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho chương trình thời sự của Đài.
- Sản xuất và đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và cá nhân đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng; tiếp tục xem xét cấp giấy đăng ký và bằng điều khiển các phương tiện giao thông cá nhân cho NKT có đủ điều kiện.
Hội xin Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội xin báo cáo và kính đề nghị UBND và Sở LĐTBXH thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ Hội hoạt động hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
T/M BCH Hội NKT TP. Hà Nội
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Dương Thị Vân