Báo cáo hoạt động Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội năm 2013
BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG NĂM 2013
Kính gửi: Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP. Hà Nội
Thực hiện quy định của pháp luật, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội (Hội) báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Hội năm 2013 như sau:
- Thông tin chung về tổ chức
- Về hội viên:
- Tổng số hội viên:
+ Hội viên tổ chức: 48 (trong đó có 29 tổ chức có pháp nhân)
+ Hội viên cá nhân: gần 9.000 người
- Số hội viên mới kết nạp trong năm:
+ Hội viên tổ chức: 02 (Hội NKT huyện Chương Mỹ và Công ty TNHH Hồng Hà).
+ Hội viên cá nhân: gần 1.500 người
- Những người làm việc chuyên trách tại Hội: 08
- Số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao (nếu có): không
- Số lượng các tổ chức trực thuộc Hội:
- Tổ chức có tư cách pháp nhân: 01 - Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập NKT (do Hội ra quyết định thành lập).
- Phòng, ban, đơn vị trực thuộc: 07 Ban công tác
- Văn phòng đại diện: Tầng 5, Cung trí thức Hà Nội, Lô D25* Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Việc kiện toàn tổ chức Hội (tổ chức Đại hội, hội nghị thường niên; họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ theo quy định của Điều lệ Hội, kiện toàn ban lãnh đạo, các chức danh chủ chốt…)
- Ban Chấp hành và Ban Thường trực hội tổ chức họp theo định kỳ quy định tại Điều lệ Hội.
- 01 Phó Chủ tịch Hội (Bà Lê Minh Hiền) phụ trách công tác việc làm xin nghỉ công tác trong thời gian 6 tháng do sức khỏe không đảm bảo. Hội đã bố trí Phó Chủ tịch Trịnh Xuân Dũng đảm nhận công việc trong thời gian bà Hiền nghỉ công tác.
đ. Khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội:
- Khen thưởng: Hội đã đăng ký và đề nghị Sở LĐTBXH thành phố trình UBND thành phố xem xét tặng bằng khen trong việc tích cực tham gia thực hiện Kế hoạch số 150/KH-UBND của thành phố về hỗ trợ NKT thành phố giai đoạn 2009 – 2013.
- Kỷ luật: không
- Khiếu nại và tố cáo trong nội bộ:
+ Ban Chấp hành Hội đoàn kết, hoạt động dân chủ và công khai.
+ Tuy nhiên, nội bộ của tổ chức thành viên như Hội NKT huyện Phúc Thọ chưa được đoàn kết và có mâu thuẫn. Ban lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hội đã phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ để giải quyết các mâu thuẫn của huyện Hội.
- Kết quả hoạt động
- Kết quả hoạt động của Hội
a) Công tác phát triển tổ chức:
- Hội NKT cấp quận, huyện:
+ Tiếp tục hỗ trợ NKT tại quận Tây Hồ, huyện Ứng Hòa và Thường Tín xúc tiến thành lập Hội, trong đó NKT huyện Ứng Hòa đang chuẩn bị tổ chức Đại hội thành lập vào ngày 20 tháng 11 năm 2013.
+ 05 Hội NKT cấp quận, huyện tổ chức ĐH nhiệm kỳ II (gồm Cầu Giấy, Đông Anh, Mê Linh, Thanh Oai và Hoàn Kiếm).
- Hội NKT cấp xã, phường: đến tháng 11/2013 có tổng số 62 xã, phường tại 10 quận, huyện được UBND các quận, huyện quyết định cho phép thành lập Hội NKT cấp xã, phường, trong đó có 51 Hội NKT cấp xã đã chính thức tổ chức Đại hội và đi vào hoạt động.
- Các CLB trực thuộc các Hội NKT quận, huyện: để tạo môi trường sinh hoạt phù hợp với nhu cầu của các hội viên, ngoài các CLB Phụ nữ khuyết tật, một số Hội NKT quận, huyện tiếp tục thành lập CLB Thanh niên, CLB văn nghệ, CLB Cha mẹ trẻ khuyết tật , CLB Việc làm. Các Hội NKT quận, huyện đã phối hợp và hỗ trợ các CLB tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhân thức và năng lực, giao lưu, sinh hoạt cho các thành viên.
b) Công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ Hội
- Nâng cao năng lực của cán bộ, hội viên các cấp Hội
Để đảm bảo cho việc xây dựng và phát triển các cấp Hội một cách bền vững, năm 2013 Hội tiếp tục triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ các cấp Hội.
Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chính sách pháp luật, kỹ năng thành lập, quản lý, điều hành và phát triển Hội:
- Tổ chức 02 hội nghị phổ biến nội dung Nghị định số 28/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật NKT và công tác thi đua khen thưởng của thành phố Hà Nội; các quy định về giám định mức độ khuyết tật cho cán bộ và lãnh đạo các tổ chức thành viên.
- Tổ chức 01 tập huấn hướng dẫn các bước thành lập Hội NKT cấp xã phường cho các BVĐ thành lập Hội NKT xã/phường một số quận, huyện.
- 08 chương trình tập huấn về kỹ năng quản lý Văn phòng và tài chính cho hơn 200 lượt lãnh đạo Hội NKT cấp xã, phường của 10 quận, huyện.
- 02 tập huấn về kỹ năng giao tiếp và tuyên truyền cho lãnh đạo Hội NKT các quận huyện và cho cán bộ nữ của các CLB Phụ nữ khuyết tật.
- 02 chương trình tọa đàm hướng dẫn kỹ năng Khích lệ và chế ngự căng thẳng tức giận và Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho PNKT của 9 CLB Phụ nữ các quận, huyện.
- 01 tập huấn kỹ năng lãnh đạo cho lãnh đạo Hội NKT các quận huyện.
- 01 tập huấn Kỹ năng gây quỹ cho lãnh đạo các tổ chức thành viên
- 01 tập huấn vận động thực hiện chính sách và xây dựng kế hoạch vận động cải tạo các công trình công cộng tiếp cận NKT sử dụng cho lãnh đạo của 13 Hội NKT quận huyện.
- 02 tập huấn kỹ năng viết hồ sơ xin việc, phỏng vấn và kỹ năng hòa nhập trong môi trường làm việc mới cho hội viên của Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.
- Tổ chức 05 chương trình tập huấn Giới và kinh doanh cho hội viên của Hội NKT huyện Ba Vì, Đan Phượng, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây, và nhóm 13 tập huấn viên của Hội .
- 01 tập huấn về bình đẳng và hòa nhập cho cán bộ các tổ chức thành viên của Hội. Trung tâm ICC tổ chức 02khóa tập huấn cho 21 đại biểu của các cơ quan, tổ chức, một số trường đại học, trung tâm và cho 12 hướng dẫn viên của Hội và các tổ chức khác liên quan đến NKT.
Các khóa tập huấn này đã phần nào giúp cán bộ, lãnh đạo Hội NKT các cấp NKT nâng cao kiến thức và kỹ năng để làm quản lý, tổ chức hoạt động Hội hiệu quả hơn cũng như bổ sung kỹ năng để làm việc với các cơ quan và tổ chức trên địa bàn.
Đào tạo, bồi dưỡng tập huấn viên nguồn ( TOT):
- Tổ chức 03 khóa tập huấn đào tạo cho 44 lượt giảng viên nguồn của Hội và một số Hội quận, huyện về phương pháp giảng dạy tích cực và các kiến thức về giới và kinh doanh nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ, giảng viên của Hội để có thể đảm nhận các chương trình đào tạo của Hội và điều hành tốt các hội nghị, hội thảo của tổ chức.
- Ngoài ra, một số thành viên trong nhóm giảng viên nguồn của Hội đã được lựa chọn và đề cử tham dự một số khóa tập huấn chuyên đề do các đơn vị khác tổ chức như CBM, CRS, Matelser, Hội NKT TP. Cần Thơ…
- Một số tập huấn viên đã và đang được mời tham gia thực hiện các hợp đồng tư vấn, đào tạo của Hội với các tổ chức như CBM, VFD, NRL...
Tham gia các khóa đào tạo của các tổ chức khác:
- Cử cán bộ Hội và các tổ chức thành viên tham gia và đóng góp ý kiến tại các chương trình hội nghị, hội thảo, tập huấn liên quan đến NKT do Bộ LĐTBXH, NCCD, Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, Sở LĐTBXH, Sở Nội vụ, ILO, UNDP, UNICEF, Hiệp hội giáo dục cho mọi người, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ... tổ chức.
- 01 cán bộ của Hội được giới thiệu tham dự khóa đào tạo dành cho phụ nữ khuyết tật tại Australia.
Trong năm 2013, gần 600 lượt cán bộ của các tổ chức thành viên đã được tham gia các cuộc hội nghị, tập huấn trên.
- Tổ chức giám sát, đánh giá các tổ chức thành viên:
Nhằm hỗ trợ các Hội NKT quận huyện nâng cao chất lượng quản lý và tổ chức hoạt động Hội, Hội tiếp tục tổ chức các buổi làm việc, tìm hiểu thông tin về quản lý văn phòng, quản lý tài chính, quản lý thông tin hội viên, lập kế hoạch, tổ chức hoạt động... tại 12 đơn vị: Thanh Trì, Thanh Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ, Cầu Giấy, Đống Đa, Mê Linh, Ba Vì, Hoàn Kiếm, Sóc Sơn, Long Biên và Từ Liêm. Sau mỗi chương trình, Hội có thông báo gửi kết quả buổi làm việc tới các UV BCH và BKT của các Hội NKT quận, huyện để các đơn vị phát huy những điểm tốt và rút kinh nghiệm và cải thiện các điểm còn hạn chế.
c) Dạy văn hóa, xóa mù chữ, phổ biến ngôn ngữ ký hiệu:
- Dạy văn hóa, xóa mù chữ:
Năm 2013, Hội hỗ trợ 04 quận, huyện Từ Liêm, Thanh Xuân, Mê Linh và Thạch Thất tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho 55 hội viên (22 nam và 33 nữ).
- Phổ biến ngôn ngữ ký hiệu:
Chương trình Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình được phát sóng trên kênh VTV2 từ năm 2012 với sự phối hợp giữa Hội với Đài truyền hình Việt Nam, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trường PTCS Xã Đàn và trường dạy trẻ điếc Nhân Chính. Đến cuối năm 2013, chương trình đã hoàn thành việc ghi hình và phát sóng 100 bài học. Ngày 5/11/2013, Hội đã tổ chức hội nghị Tổng kết chương trình này, chương trình nhận được sự đánh giá cao của các bên liên quan cũng như nhiều phản hồi tích cực từ phía người xem truyền hình. Để tiếp tục triển khai chương trình này trong năm tiếp theo, Hội đã có công văn đề nghị Liên hiệp hội về NKT Việt Nam quan tâm phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo và Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình.
d) Công tác nâng cao nhận thức của hội viên, cộng đồng và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm:
- Tháng 9 năm 2013, Hội tổ chức chương trình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phát triển và hoạt động Hội tại Ninh Bình với sự tham dự của 100 đại biểu đến từ các cơ quan và 7 Hội NKT các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình).
- Phối hợp với Hội NKT huyện Hoài Đức, Gia Lâm và Mỹ Đức tổ chức chương trình Hình ảnh Người khuyết tật qua góc nhìn nghệ thuật (vẽ tranh về NKT và triển lãm tranh tại một số trường học) với sự tham gia của các em học sinh cấp 2 và cấp 3 tại các trường tiểu học và PTCS tại các quận, huyện trên.
- Tổ chức chương trình kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam với sự tham gia của các UVBCH và gia đình của các ủy viên.
- Nhân dịp Tết nguyên đán, Ngày NKT Việt Nam (18/4) và ngày thương binh liệt sỹ: các Hội NKT quận/huyện và một số CLB đã tổ chức giao lưu, thăm hỏi và tặng quà các hội viên. Hội NKT quận Hoàng Mai tiếp tục tổ chức chương trình giao lưu thường niên nhân ngày 18/4 và đã thu hút được hơn 350 hội viên, cá nhân và các tổ chức tham dự.
- Kỷ niệm các ngày lễ của phụ nữ 8/3 và 20/10: Hội và các Hội thành viên đã hỗ trợ 21 CLB PNKT tổ chức tọa đàm, mít tinh kỷ niệm các ngày lễ cho chị em phụ nữ.
- Ngày 1/6: các Hội NKT quận, huyện và nhóm, trung tâm đã tổ chức chương trình kỷ niệm và tặng quà cho trẻ khuyết tật và con em hội viên khuyết tật.
- Hưởng ứng ngày Thế giới nhận biết về hội chứng tự kỷ (2/4), CLB Cha mẹ trẻ khuyết tật trí tuệ đã tổ chức nhiều chương trình kỷ niệm như hội thảo Đồng hành cùng con để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục và can thiệp cho trẻ tự kỷ của các phụ huynh và đêm Light it up blue – thắp ánh sánh xanh để kỷ niệm chương trình. CLB cũng đã phối hợp với Bộ LĐTBXH, Mạng lưới người tự kỷ ASEAN, tổ chức APCD tổ chức hội thảo về lộ trình thành lập Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam, hội thảo đã thống nhất thành lập mạng lưới quốc gia của người tự kỷ và gia đình của họ.
- CLB Thanh niên - Hội NKT quận Thanh Xuân, nhóm Ước mơ xanh Hà Nội, CLB Sinh viên khuyết tật thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu giữa các thành viên trong nhóm và với các CLB khác.
- Trung tâm Sống độc lập Hà Nội tổ chức thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng sống độc lập cho các hội viên, tập huấn các kỹ năng cho người trợ giúp cá nhân, nâng cao năng lực cho NKT tại các quận, huyện của Hà Nội và tại Hải Phòng, Đà Nẵng về sống độc lập...
e) Công tác dạy nghề và tạo việc làm:
- Giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH cho NKT:
Năm 2013, Ngân hàng CSXH thành phố tiếp tục phân bổ nguồn vốn vay 8,3 tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT tại các quận, huyện của thành phố. Để triển khai việc giải ngân nguồn vốn năm 2013 có hiệu quả, tháng 3/2013, Ban việc làm đã chủ trì hội nghị tổng kết việc thực hiện chương trình vay vốn năm 2012, rút kinh nghiệm và hướng dẫn việc giải ngân nguồn vốn vay năm 2013.
Đến nay, tổng số vốn đã được chính thức giải ngân là 6.100.000.000đ cho 323 hộ gia đình NKT tại 19 quận, huyện, số vốn vay chủ yếu được sử dụng với mục đích chăn nuôi và sản xuất kinh doanh. Ban việc làm của Hội cũng đã đề nghị và hướng dẫn các Hội NKT quận, huyện phối hợp với NH CSXH tiếp tục giải ngân nguồn vốn năm 2013 và đôn đốc, thu hồi vốn phân kỳ của năm 2012 và hỗ trợ hộ vay chưa có khả năng trả vốn làm thủ tục đề nghị gia hạn nợ theo quy định.
- Hoạt động hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm tại các tổ chức thành viên:
- Nhiều tổ chức thành viên đã phối hợp với TT Dạy nghề, các doanh nghiệp tại địa phương tổ chức các lớp dạy nghề cho hội viên và giới thiệu hội viên vào học nghề tại các cơ sở đào tạo.
+ Hội NKT H. Mê Linh tổ chức dạy nghề cho hơn 100 hội viên về nghề may, mây tre đan, thêu ren, đính cườm, làm bánh đa nem, mỳ sợi. Hơn 100 NKT làm việc: tiếp thị, bán hàng, may công nghiệp, điện dân dụng... tại địa phương.
+ Giới thiệu hội viên học nghề tại TT dạy nghề về: tin học VP, nấu ăn, cắm tỉa hoa, sửa chữa điện lạnh (21 hội viên tại Thanh Xuân; 15 hội viên tại Hoàng Mai học tin học).
+ CLB Sinh viên khuyết tật, Gia Lâm, Thanh trì, Hai Bà Trưng... giới thiệu hội viên làm việc tại các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp.
- Trung tâm ICC phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội và các Hội quận huyện vận động hội viên tham dự phiên giao dịch lồng ghép do Trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức. Trung tâm cũng hỗ trợ tổ chức các buổi tập huấn về Phát triển doanh nghiệp dựa vào cộng đồng (C-BED) tại Hội NKT quận Hoàn Kiếm và huyện Thanh Trì.
- Hội đã phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội – Bộ LĐTBXH hỗ trợ vốn cho 45 hội viên của 2 Hội NKT Gia lâm và Ba Vì làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
f) Phổ biến pháp luật và chính sách liên quan đến NKT, thông tin, tuyên truyền hoạt động Hội
Các hoạt động trong lĩnh vực này nhằm thực hiện mục tiêu 3 của chiến lược phát triển Hội, kiến nghị với các cấp chính quyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền của NKT và thực hiện các văn bản pháp luật hiện hành.
- Phổ biến văn bản pháp luật và chính sách về NKT
- Hội đã chủ động phổ biến cho cán bộ và lãnh đạo của Hội và các tổ chức thành viên các quy định về thi đua khen thưởng của thành phố, hướng dẫn xác định mức độ khuyết tật, Kế hoạch số 161/KH-UBND về hỗ trợ NKT thành phố giai đoạn 2013 - 2020; tham gia đóng góp ý kiến bổ sung và sửa đổi Hiến pháp, dự thảo Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi…
- Hội NKT Thanh Trì, Ba Vì, Sơn Tây và Gia Lâm phối hợp với Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng động (ACDC) tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho NKT tại các Q/H.
- Hội NKT Mê Linh, Thanh Xuân, Hoàng Mai lồng ghép phổ biến Luật NKT, nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật NKT, Luật giao thông...trong nhiều chương trình hội nghị.
- Thúc đẩy việc cải tạo các công trình công cộng tiếp cận với NKT
- Tiếp tục khảo sát để biên soạn và in cuốn Sổ tay về một số công trình công cộng đảm bảo tiếp cận cho NKT hiện có trong thành phố.
- Thành Hội đã phối hợp với Hội NKT huyện Phú Xuyên, Gia Lâm và Quốc Oai khảo sát một số công trình công cộng, lựa chọn tiếp tục thí điểm cải tạo một số công trình đảm bảo tiếp cận với NKT, đến nay đã sửa chữa được 08 công trình tại Phú Xuyên và Quốc Oai và 04 công trình tại Gia Lâm sẽ được tiếp tục sửa chữa trong tháng 12/2013.
- Phối hợp với 10 Hội NKT quận, huyện tổ chức các chương trình tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức của NKT và các cấp chính quyền về vấn đề tiếp cận các công trình công cộng, đồng thời nhằm vận động UBND huyện và các ban ngành tại địa phương quan tâm và thúc đẩy việc cải tạo và xây mới các công trình theo quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng đã ban hành đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng.
- Phối hợp với Sở Xây dựng thành phố đồng chủ trì hội thảo “Thúc đẩy thực hiện quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng” với sự tham gia của đại diện của Bộ Xây dựng, Sở xây dựng, Sở LĐTBXH, đại diện UBND các quận, huyện và thị xã trên địa bàn thành phố.
- Phối hợp với Ban tư vấn dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao tổ chức lấy ý kiến của NKT của 5 quận huyện về nhu cầu sử dụng đường sắt trên cao.
- Thông tin tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến NKT:
Tiếp tục phát hành Bản tin nội bộ theo định kỳ và duy trì Trang thông tin điện tử (http://dphanoi.org.vn) để thông tin, giới thiệu, trao đổi hỏi đáp các chính sách và pháp luật của Nhà nước, về hoạt động của Hội, các tổ chức thành viên và các tấm gương vượt khó vươn lên của NKT, hoạt động của các tổ chức liên quan về NKT trong nước và quốc tế…đến cộng đồng. Dự án trang web giai đoạn 1 do RI và Asia Trust hỗ trợ đã kết thúc tháng 4/2013, nhóm dự án đang chuẩn bị đề xuất dự án cho giai đoạn tiếp theo.
Thành Hội và các tổ chức thành viên đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, như VTV1, VTV2, VTV4, Truyền hình Hà Nội, Đài phát thanh TNVN, các báo trung ương và Hà Nội, các Đài phát thanh và truyền hình quận, huyện …, để tuyên truyền đến cộng đồng các hoạt động của Hội; tham gia các chương trình phỏng vấn, trao đổi trên truyền hình và đài tiếng nói Việt Nam.
g) Hỗ trợ, phối hợp hoạt động của các tổ chức thành viên:
- Hỗ trợ và phối hợp với các tổ chức thành viên:
- Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Hòa nhập NKT (ICC) đã phối hợp với ILO thực hiện tổ chức tham vấn NKT đóng góp cho Mục tiêu thiên niên kỷ sau 2015; tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo tham vấn quốc gia về chương trình phát triển sau năm 2015 tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch đầu tư và LHQ tại VN chủ trì. Trung tâm đã triển khai các bộ công cụ của ILO như Bình đẳng và hòa nhập (DET), Giới và kinh doanh (GET AHEAD), Kinh doanh dựa vào cộng đồng (C-BED), hỗ trợ sinh kế để nâng cao nhận thức cho các đơn vị làm việc liên quan đến NKT, nâng cao năng lực và hỗ trợ các hội NKT quận/huyện. Tư vấn cho CBM, trung tâm phòng chống mù lòa tỉnh Quảng Nam về Hòa nhập NKT trong chương trình chăm sóc mắt ban đầu.
- Nhóm Vì tương lai tươi sáng của NKT tiếp tục thực hiện dự án Trung tâm sống độc lập NKT Hà Nội do Quỹ Nippon tài trợ qua Tổ chức NKT khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
- Một số Hội NKT quận, huyện (như Mê Linh, Ba Vì, Sơn Tây, Gia Lâm, Thanh Trì) phối hợp với Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) thực hiện các chương trình tư vấn pháp luật cho NKT, hỗ trợ phụ nữ đơn thân phát triển sinh kế tại địa phương, tư vấn, khám và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho hội viên nữ.
- Phối hợp hoạt động giữa các tổ chức thành viên:
- Hội cha mẹ trẻ KTTT phối hợp với các Hội NKT Q/H Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Xuân, Mê Linh tổ chức hướng dẫn kỹ năng chăm sóc trẻ KTTT; Hội NKT Hoàng Mai tổ chức tập huấn kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ.
- Trung tâm Sống độc lập Hà Nội phối hợp tổ chức tham vấn đồng cảnh cho NKT tại Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, TT Đào tạo và PHCN cho người mù...
- Chương trình tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa một số hội quận/huyện nhân ngày phụ nữ Việt Nam.
h) Hợp tác quốc tế:
- Thành hội:
- Tháng 4 và tháng 10/2013, đại diện của PTU/DHF đã có chuyến làm việc và giám sát đánh giá dự án tại Hà Nội. Trong chuyến làm việc này, đoàn đã làm việc với UBND thành phố, Sở LĐ-TB&XH, Bộ LĐ-TB&XH và một số tổ chức hỗ trợ của NKT để tìm hiểu tình hình về NKT Việt Nam và Hà Nội. Đồng thời, đoàn đã phối hợp với Hội tổ chức hội thảo nhằm thúc đẩy việc hợp tác với một số Hội NKT khu vực phía Bắc.
- Phối hợp với tổ chức Matelser tại Đà Nẵng thực hiện hợp phần của dự án “Xây dựng công cụ hỗ trợ về lồng ghép vấn đề khuyết tật trong chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của Chính phủ” trong thời gian từ tháng 10/2012 – 9/2013.
- Phối hợp với tổ chức CRS thực hiện một hợp phần dự án triển khai về việc hỗ trợ thành lập các CLB cha mẹ trẻ khuyết tật tại Gia Lâm và Ba Vì trong thời gian từ năm 2013-2014.
- Phối hợp với Sở LĐTBXH Hà Nội, Giáo dục đào tạo Hà Nội để tổ chức đoàn thanh thiếu niên khuyết tật tham dự chương trình “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu” do UN ESCAP và Hội Phục hồi chức năng Hàn quốc tổ chức tại Bangkok từ 8-11/10/2013.
- Phối hợp với Hội Phục hồi chức năng Hàn quốc để khảo sát điều kiện tiếp cận tại một số trung tâm dạy nghề trong chương trình Công nghệ thông tin cho thanh thiếu niên khuyết tật
- Các tổ chức thành viên:
- Trung tâm ICC đã ký thỏa thuận hợp tác với ILO thực hiện dự án Nâng cao năng lực cho ICC từ 4/2013-12/2013 thuộc dự án PROPEL “Thúc đẩy quyền và cơ hội cho người khuyết tật – Bình đẳng thông qua luật pháp”.
- Trung tâm Sống độc lập Hà Nội (ILC) đã phối hợp với IFES/AGENDA triển khai và hoàn thành dự án “Nghiên cứu về tiếp cận quyền bầu cử của NKT ở Việt Nam” tại Hà Nội, Cần thơ và Đà Nẵng; Hợp tác với Abilis thực hiện dự án “Mang tham vấn đồng cảnh đến Hội NKT các quận huyện Hà Nội” với các hoạt động chính như tập huấn kỹ năng tham vấn đồng cảnh cho NKT tại một số TT và quận huyện.
- Hội NKT huyện Ba Vì tham gia thực hiện hợp phần dự án về cải tạo các công trình công cộng cho các xã tại Ba Vì, trong dự án hợp tác của Bộ LĐ-TB&XH và tổ chức NKT khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
- Việc thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao:
Năm 2013, Hội được Sở LĐTB&XH thành phố giao nhiệm vụ hoạt động của Hội theo công văn số 1977/LĐTB&XH-BTXH ngày 8 tháng 10 năm 2012 và Hội đã tích cực triển khai hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ:
- Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NKT và cộng đồng về hòa nhập NKT:
+ Hội đã tổ chức và hỗ trợ các tổ chức thành viên tổ chức nhiều chương trình kỷ niệm hưởng ứng các ngày lễ về NKT.
+ Vận động và hỗ trợ cải tạo 12 công trình công cộng tại 03 quận huyện Gia Lâm, Phú Xuyên và Quốc Oai.
+ Phát hành bản tin và duy trì trang thông tin điện tử của Hội để trao đổi và thông tin về các hoạt động, tâm tư nguyện vọng của hội viên.
- Phát triển tổ chức:
+ Hội đã hướng dẫn NKT tại các quận, huyện chưa có Hội các quy trình thành lập Hội, đồng thời vận động UBND các quận, huyện hỗ trợ và cho phép thành lập Hội tại 05 quận huyện chưa có Hội. Đến nay, Hội NKT huyện Chương Mỹ đã chính thức được thành lập và hoạt động từ tháng 7 năm 2013, NKT huyện Ứng Hòa sẽ tổ chức Đại hội thành lập vào ngày 20/11/2013. Tại Tây Hồ và Thường Tín, các BVĐ thành lập Hội tiếp tục vận động thành lập Hội, riêng quận Hà Đông cho đến nay chưa hình thành được BVĐ thành lập Hội NKT quận.
+ Tập huấn và hướng dẫn cho lãnh đạo và NKT các quận huyện và xã phường các quy định về thành lập Hội NKT cấp xã, hướng dẫn về cách quản lý văn phòng và tài chính cho Hội NKT cấp xã.
+ Thành lập pháp nhân thuộc Hội:
Tháng 3 năm 2013, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập NKT (ICC) thuộc Hội được thành lập, có tư cách pháp nhân và đã có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ NKT hòa nhập vào thị trường lao động và hòa nhập cộng đồng.
Trên cơ sở các văn bản của Chính phủ và thành phố gồm: Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội; Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 13/4/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45; Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 quy định chi tiết thi hành nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Nghị định số 33/2013/NĐ; Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 2/10/2009 về trợ giúp NKT thành phố Hà Nội; Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 10/5/2012 Về việc ủy quyền để Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cho phép thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thế, đổi tên và phê duyệt điều lệ hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong phường, xã, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội; Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2013 ban hành Quy định về tổ chức, hoạt động của Hội và nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã tạo cơ sở pháp lý để Hội NKT các cấp được thành lập và đi vào hoạt động. Hội Người khuyết tật đã trở thành địa chỉ tin cậy để NKT trong cộng đồng được sinh hoạt, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng và hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống. Tuy vậy, một số tổ chức của người khuyết tật cũng như Hội vẫn còn gặp khó khăn và lúng túng trong việc thành lập cơ sở pháp nhân thuộc Hội. Theo quy định tại Điều 4, khoản 1 mục a của Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 “Thành lập pháp nhân và tổ chức, cơ sở thuộc Hội…..a) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy phép kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (bản sao có chứng thực);….”.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy phép kinh doanh chỉ được cấp khi đơn vị có tư cách pháp nhân. Ví dụ, Trung tâm Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội là đơn vị chưa có pháp nhân thuộc Hội, đã hoàn thiện hồ sơ xin phép thành lập đơn vị có pháp nhân thuộc Hội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Hội đề nghị UBND thành phố, Sở LĐTBXH và Sở Nội vụ tạo điều kiện để các tổ chức thành viên của Hội được thành lập có pháp nhân khi có nhu cầu và đủ điều kiện thành lập.
- Tổ chức hội nghị, đào tạo và tập huấn:
+ Tổ chức nhiều chương trình tập huấn, phổ biến về Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực thi Luật NKT; tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Hiến pháp sửa đổi, Luật hôn nhân gia đình và dự thảo Kế hoạch trợ giúp NKT thành phố giai đoạn 2013 – 2020.
+ Tổ chức hàng chục chương tình tập huấn, nâng cao năng lực cho gần 600 lượt cán bộ Hội các cấp về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, phương pháp giảng dạy, giới và kinh doanh, kỹ năng phỏng vấn khi đi xin việc; hướng dẫn quản lý nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và giải ngân 6,1 tỷ đồng nguồn vốn vay cho 323 hộ gia đình NKT để chăn nuôi và sản xuất kinh doanh…
+ Tổ chức 04 lớp học xóa mù chữ cho 55 hội viên; hoàn thành chương trình dạy 100 bài học về ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình.
- Hợp tác quốc tế:
+ Tiếp tục mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức trong và ngoài nước để tiến hành các hoạt động trợ giúp NKT thành phố như các dự án với tổ chức PTU, DHF của Đan Mạch, Hội Phục hồi chức năng của NKT Hàn Quốc (KSRPD), tổ chức Matelser tại Đà Nẵng, tổ chức CRS, CBM…
+ Đã cử lãnh đạo và cán bộ tham dự và trao đổi các kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động thúc đẩy việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT và Luật NKT cũng như các hoạt động hỗ trợ NKT tại các hội nghị do các tổ chức quốc tế tổ chức tại Thái Lan, Hàn Quốc…
- Đánh giá chung:
Là một tổ chức xã hội của NKT, Hội đã được UBND, các ban ngành quan tâm và hỗ trợ hoạt động nên trong năm 2013 Hội đã tích cực triển khai các hoạt động được Sở LĐTB&XH thành phố đồng ý giao và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển Hội và Kế hoạch trợ giúp NKT của thành phố giai đoạn 2009-2013. Các kết quả chính Hội đã đạt được :
- Hội viên, NKT từng bước cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất, nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ của địa phương.
- Đóng góp vào việc thúc đẩy thực hiện các văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến NKT, đặc biệt là Luật NKT và Kế hoạch số 150 và mới đây là Kế hoạch 161 của thành phố.
- Năng lực của cán bộ lãnh đạo Hội và các tổ chức thành viên từng bước được nâng cao, rút ra nhiều bài học và kinh nghiệm qua việc tổ chức hoạt động. Các tổ chức đã chủ động phối hợp và vận động các cơ quan, chính quyền và doanh nghiệp để củng cố tổ chức và tổ chức nhiều hoạt động cho hội viên.
- Hầu hết cán bộ đều nhiệt tình với công tác xã hội của người khuyết tật.
- Đã hỗ trợ, tư vấn về công tác tổ chức và quản lý Hội cho các Hội NKT một số tỉnh thành khác.
- Được nhiều cơ quan và tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao và phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ NKT của thành phố.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Hội cũng có nhiều khó khăn và thách thức như:
- Hầu hết cán bộ của Hội đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách. Qua các đợt giám sát, đánh giá tại các Hội quận huyện, một số Hội địa phương đã khẳng định những mặt mạnh, cũng như các vấn đề tồn tại cần khắc phục trong công tác quản lý, trong đó có tình trạng một số cán bộ lãnh đạo Hội quận, huyện còn lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trên cơ sở đảm bảo dân chủ, đoàn kết, thống nhất và theo điều lệ Hội.
- Các cấp Hội quận-huyện, thị xã và xã-phường ngày càng phát triển, đòi hỏi cần có nhiều sự hỗ trợ về kinh phí để hoạt động và đào tạo nâng cao nhận thức, năng lực về quản lý và tổ chức hoạt động Hội.
- Văn phòng làm việc của các Hội quận/huyện chưa ổn định, hiện có 8/24 Hội NKT quận, huyện được UBND các quận, huyện bố trí văn phòng làm việc riêng, nhưng đa số đặt tại tầng 2, chưa tiếp cận với NKT và còn thiếu trang thiết bị để làm việc.
- Tổng số kinh phí hoạt động trong năm:
Tổng số: 5.248.854.067đ, trong đó:
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ: 1.650.000.000đ
- Kinh phí do tổ chức nước ngoài tài trợ: 3.183.720.032đ
- Hội tự huy động từ các nguồn khác: 415.134.035đ
- Dự kiến phương hướng, nhiệm vụ năm 2014
Năm 2013, Hội tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên, cơ quan và tổ chức liên quan tập trung vào các hoạt động chính sau:
Phối hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cho hội viên, tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với NKT. Chủ động tổ chức các hoạt động trợ giúp NKT thiết thực và hiệu quả.
4.1. Về phát triển tổ chức Hội :
- Hỗ trợ thành lập Hội NKT tại quận, huyện: Hà Đông, Tây Hồ và Thường Tín.
- Hỗ trợ các Hội NKT quận, huyện hướng dẫn và thành lập Hội NKT cấp xã.
- Hỗ trợ thành lập Trung tâm Sống độc lập của NKT Hà Nội có tư cách pháp nhân.
- Đẩy mạnh việc thành lập các CLB cha mẹ trẻ khuyết tật thuộc Hội NKT quận, huyện.
4.2. Hỗ trợ các Hội NKT quận, huyện có nhu cầu thực hiện xóa mù chữ cho NKT; tiếp tục vận động tài trợ và thực hiện chương trình phổ biến ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình và trong cộng đồng.
4.3. Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp: kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý tài chính và văn phòng, giới và kinh doanh, chương trình hình ảnh NKT qua góc nhìn nghệ thuật, tổ chức trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các Hội quận, huyện và giữa các Hội xã, phường….
4.4. Hỗ trợ hội viên được học nghề, tìm việc làm, hỗ trợ các Hội quận huyện quản lý hiệu quả việc giải ngân và thu hồi vốn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH.
4.5. Xây dựng định hướng phát triển Hội trong giai đoạn sau 2014.
4.6. Tiếp tục vận động thúc đẩy xây dựng và cải tạo các công trình công cộng đảm bảo tiếp cận cho NKT tại các quận, huyện của thành phố.
4.7. Đẩy mạnh công tác giám sát đánh giá phát triển hội.
4.8. Tổ chức các hoạt động cộng đồng hưởng ứng các ngày lễ, ngày kỷ niệm của Việt Nam và Quốc tế để góp phần nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về các lĩnh vực liên quan đến NKT.
4.9. Tìm kiếm và xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ NKT thành phố.
4.10. Tổ chức thực hiện hoạt động của các dự án theo kế hoạch và có hiệu quả.
- Đề xuất, kiến nghị
Để tạo điều kiện cho Hội và các tổ chức thành viên từng bước ổn định, phát triển bền vững và tổ chức hoạt động có hiệu quả phù hợp với nguyện vọng của NKT, Kế hoạch hỗ trợ NKT của thành phố, Luật Người khuyết tật, Hội đề nghị UBND Thành phố và các Sở Ban ngành chức năng quan tâm xem xét và giải quyết:
5.1. UBND thành phố và Sở LĐTB&XH chỉ đạo UBND các quận, huyện và thị xã ban hành Kế hoạch trợ giúp NKT các quận, huyện trong sáu tháng đầu năm 2014 để triển khai Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 10/10/2013 của thành phố về trợ giúp NKT thành phố giai đoạn 2013 – 2020.
5.2. Sớm ban hành các chính sách phù hợp hỗ trợ Hội NKT các cấp.
5.3. UBND các quận-huyện-thị xã tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các Hội NKT quận-huyện-thị xã hoạt động; cho phép, hỗ trợ việc thành lập và hoạt động các Hội NKT xã-phường-thị trấn.
5.4. Triển khai các chương trình học văn hóa xóa mù chữ cho NKT không có điều kiện đến trường.
5.5. Tạo điều kiện và cho phép thành lập Trung tâm Hỗ trợ sống độc lập của NKT Hà Nội có tư cách pháp nhân trực thuộc Hội NKT Hà Nội.
5.6. Lồng ghép việc hòa nhập người khuyết tật vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội của TP và chương trình hoạt động của các tổ chức đoàn thể.
5.7. Kiểm tra, giám sát và thúc đẩy việc cải tạo và xây dựng mới các công trình công cộng đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng.
5.8. Cải thiện chất lượng trong việc thông tin tuyên truyền cho người khiếm thính. Hỗ trợ xây dựng và tổ chức đào tạo giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu. 5.9. Sản xuất và đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và cá nhân đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng; tiếp tục xem xét cấp giấy đăng ký và bằng điều khiển các phương tiện giao thông cá nhân cho NKT có đủ điều kiện.
Trên đây là nội dung báo cáo về tổ chức, hoạt động năm 2013, Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội xin báo cáo và kính đề nghị UBND các cấp, các Sở, Ban ngành đoàn thể của TP, Mặt trận Tổ quốc thành phố, các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ Hội hoạt động hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Nơi nhận: - Như kính gửi; - Lưu VP. | TM. BCH HỘI NKT TP. HÀ NỘI CHỦ TỊCH
Dương Thị Vân |