Câu hỏi pháp luật (tiếp câu 16 đến câu 20)
Câu hỏi số 16: Theo quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010 thì Nhà nước đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng. Đặc biệt là các chinh sách về học tập, học nghề và tìm việc làm. Vậy cụ thể các chính sách này quy định như thế nào?
Trả lời: Câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Theo quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010, quy định những chính sách dành cho người khuyết tật về học tập, học nghề và tìm kiếm việc làm. Cụ thể đó là:
-Trong lĩnh vực Giáo dục: Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập. Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo tiêu chuẩn quốc gia.
-Trong lĩnh vực dạy nghề và việc làm:
Nhà nước bảo đảm cho người khuyết tật các điều kiện, cơ hội thuận lời trong việc học nghề, có việc làm, góp phần bảo đảm cuộc sống. Theo đó, Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác; tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.
Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội; được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Luật người khuyết tật cũng quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.
Hiện thực hóa các chính sách theo quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010, trong thời gian qua, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tích cực thực hiện đầy đủ những quy định trên nhằm bảo đảm cho chính sách phát triển và hòa nhập chung của Người khuyết tật trong xã hội.
Chúc bạn những điều tốt lành!
--------
Câu hỏi số 17: Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách miễn giảm dịch vụ xã hội dành cho người khyết tật trong đó có chính sách về dịch vụ, văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch, giao thông. Vậy tôi xin hỏi về các mức miễn, giảm cụ thể?
Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Nhằm tạo những môi trường thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thì hệ thống chính sách Nhà nước đã hoàn thiện đáng kể. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật cũng từng bước được cải thiện. Theo quy định tại Điều 11 và 12 Nghị định số 28?2012?NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ thì người khuyết tật được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí, du lịch và giao thông công cộng như:
- Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn và người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu là 50% giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao như: bảo tàng, di tích văn hóa - lịch sử, thư viện và triển lãm; nhà hát, rạp chiếu phim; các cơ sở thể thao khi diễn ra các hoạt động thể dục, thể thao trong nước; các cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch khác.
- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng xe buýt. Bên cạnh đó, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông trên các tuyến vận tải nội địa bằng các phương tiện sau: giảm tối thiểu 15% đối với máy bay; giảm tối thiểu 25% đối với tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy, xe ô tô vận tải khách theo tuyến cố định.
Để được miễn, giảm giá vé và giá dịch vụ, người khuyết tật cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật. Phía các đơn vị tham gia vận tải công cộng có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là người khuyết tật lên, xuống phương tiện. Phương án trợ giúp phải được thông báo tại các nhà ga, bến đón, trả khách những nơi dễ thấy.
Trên đây là những quy định đã được hiện thực hóa và đang hoàn thiện từng bước tại các cơ sở, địa điểm cung cấp các dịch vụ công cộng.
Chúc Bạn luôn hạnh phúc!
--------
Câu hỏi số 18: Tôi đã kết hôn được 3 năm. Hai vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn. Hiện nay, không tìm được tiếng nói chung và đồng ý thuận tình ly hôn. Vậy xin hỏi, tôi cần làm những thủ tục gì để được công nhận ly hôn.
Trả lời: Câu hỏi của Bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Để đảm bảo được việc thuận tình ly hôn của Bạn thì cần hội đủ các điều kiện được quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đó là:
- Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn;
- Hai bên đã thỏa thuận về việc chia tài sản;
- Hai bên đã thỏa thuận về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Và theo quy định tại Khoản 2, Điều 29 Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì yêu cầu xin ly hôn là việc Dân sự và thuộc thẩm quyền của Tòa án. Thủ tục các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại TAND cấp huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng. Các loại giấy tờ sau:
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính); Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực); CMND/hộ chiếu (bản sao có chứng thực); Giấy khai sinh của con (bản sao); Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung.
Lưu ý: Hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện.
Bước 2: Nộp lệ phí và thụ lý vụ án
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết. Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý, Thẩm phán được phân công sẽ ra thông báo về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự. Thời hạn nộp lệ phí này là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo. Đơn yêu cầu được thụ lý khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc đã thụ lý đơn yêu cầu.
Bước 3: Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày thụ lý. Trong thời gian chuẩn bị này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp giải quyết và tiến hành mở phiên họp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định.
Bước 4: Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật.
--------
Câu hỏi số 19: Tôi chuẩn bị kết hôn và có được biết là Vợ chồng có quyền có tài sản riêng. Vậy quy định về tài sản riêng cụ thể như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:
Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể đó là:
“Khi hôn nhân tồn tại, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.” và “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng".
Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung. Như vậy, theo quy định thì pháp luật đã bảo vệ quyền sở hữu tài sản tương đối linh hoạt đối với cá nhân kể cả trong quan hệ hôn nhân và gia đình.
Chúc Bạn luôn Hạnh phúc!
--------
Câu hỏi số 20: Tôi xin hỏi, khu gia đình tôi ở có rất nhiều hộ chăn nuôi đã để nước thải chung vào đường cống mà không qua xử lý. Hiện nay, ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường và cuộc sống xung quanh của người dân. Vậy tôi có quyền tố cáo về hành vi gây ô nhiễm môi trường hay không?
Trả lời: Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 162 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 thì:
“1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.
3. Thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác”.
Điều 22 Luật Tố cáo năm 2018 có quy định “Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Điều 23 Luật tố cáo quy định: Tiếp nhận tố cáo
“1. Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.
Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
2. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố”.
Như vậy, bạn hoàn toàn căn cứ vào hành vi gây ô nhiễm môi trường để gửi nội dung tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nơi xảy ra hành vi ô nhiễm môi trường.
Chúc bạn luôn mạnh khỏe!
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật tố cáo năm 2011 quy định về Thẩm quyền giải quyết tố cáo như sau: “1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan có trách nhiệm phối hợp để xác định thẩm quyền giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan chủ trì giải quyết; tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết.” Do đó, tùy theo mức độ vi phạm mà bạn có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến Thanh tra bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc Cơ quan điều tra công an cấp huyện nơi chung cư của bạn đang ở có hành vi vi phạm pháp luật để được giải quyết. Về thời hạn giải quyết được quy định tại Điều 20 Luật tố cáo năm 2011: Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo Khi nhận được tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm phân loại và xử lý như sau: a) Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo, đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý, nếu có yêu cầu; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày; b) Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo, nếu có yêu cầu. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. |